Những năm gần đây, mỗi khi vào dịp Tết Nguyên đán, không ít người đã tìm đến các điểm dịch vụ gói bánh chưng uy tín, để chọn cho mình những chiếc bánh ưng ý dâng lên tổ tiên, thiết đãi người thân.
Cơ sở gói bánh chưng của gia đình chị Đoàn Bích Ngọc, tổ 12, phường Quyết Thắng (Thành phố).
Dạo quanh các khu chợ của Thành phố không khó bắt gặp những điểm bán bánh, nhận gói bánh chưng Tết, ở các quầy hàng này luôn tấp nập người ra vào. Nhiều cơ sở gói bánh chưng có quy mô khác nhau nhưng chủ yếu là các cơ sở của gia đình, nhỏ thì vài ba người làm khoảng vài chục chiếc bánh/ngày, có cơ sở lớn khoảng hơn 10 người làm hàng trăm chiếc mỗi ngày. Đến gia đình bà Hoàng Thị Thủy, tổ 5, phường Chiềng Lề (Thành phố) đúng lúc gia đình gói bánh chưng để kịp giao cho khách hàng. Trong căn bếp, các nguyên liệu như lá dong, thịt lợn, đỗ xanh, gạo nếp, sắp xếp gọn gàng, mọi người ngồi quây quần gói bánh. Chúng tôi ấn tượng với bà cụ đã cao tuổi nhưng gói bánh chưng rất vuông vắn, chặt tay. Được biết, đó là cụ thân sinh của bà Thủy và cũng là người truyền dạy cho con cháu cách làm bánh cùng những bí quyết để giữ được hương vị của bánh chưng. Gói bánh chưng, quan trọng nhất là khâu chuẩn bị nguyên liệu, gạo nếp gói bánh phải loại dẻo thơm nên cơ sở của bà chọn loại gạo nếp tan Mường Và (Sốp Cộp) - một loại gạo đặc sản của Sơn La, ngâm nước kỹ, đãi sạch, xóc muối trắng. Nhân đỗ có thể làm chín hoặc sống, lá dong tốt nhất là loại lá to, xanh tươi; gói bánh phải chặt tay, luộc từ 12- 14 tiếng đồng hồ liên tục... Được biết, từ năm 2012, gia đình bà Thủy làm dịch vụ gói bánh chưng, khi đó, chỉ gói khoảng 50-100 chiếc chủ yếu phục vụ người thân và gia đình vào những dịp mùng 1, ngày Rằm. Nhiều người ăn thấy ngon, giới thiệu thêm nhiều khách đến mua bánh của gia đình. Đến nay, cứ dịp Tết đến, gia đình bà nhận gói từ 1.000 - 1.200 chiếc bánh chưng với giá từ 50 - 60 nghìn đồng/chiếc. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi vụ làm bánh Tết, gia đình bà Thủy lãi khoảng 20 triệu đồng.
Đến lấy cho mình những cặp bánh đặt trước, chị Lê Minh Phương, phường Chiềng An (Thành phố), cho biết: Trước đây, vào dịp Tết, gia đình tôi có gói bánh, tuy nhiên, vài năm trở lại đây do bận bịu công việc nên gia đình tôi thường đặt bánh về dùng. Gia đình tôi thường mua bánh chưng của nhà bà Thủy vì có vị bánh chưng truyền thống, bánh dền, vỏ có màu xanh đẹp mắt, nhân đỗ thịt đậm đà. Bình thường ngày Rằm, mùng 1, tôi vẫn mua ở đây về cho gia đình, Tết này, tôi cũng đã đặt chục cặp bánh để biếu bố mẹ và người thân...
Không chỉ các cơ sở gói bánh chưng dịch vụ truyền thống, trên các trang mạng xã hội cũng đang nở rộ dịch vụ gói bánh chưng phục vụ Tết. Tại các chợ online, việc chào mời, giao dịch mua bán bánh chưng gói sẵn diễn ra rất sôi động. Liên hệ với chị Đoàn Bích Ngọc, tổ 12, phường Quyết Thắng, (Thành phố), chị Ngọc chia sẻ: Nhờ việc quảng cáo trên mạng xã hội mà hai năm gần đây, việc kinh doanh bánh chưng của tôi trở nên thuận lợi, khách hàng chỉ cần vào trang cá nhân của tôi có thể nhìn thấy hình ảnh, video, thông tin về giá cả, chất lượng hay phản hồi của những người đã mua trước đó để tham khảo, chọn cho mình kích cỡ, loại bánh phù hợp, giá từ 50-80 nghìn đồng/chiếc. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tôi có làm các loại bánh như: Bánh chưng gạo cẩm, bánh chưng gấc, bánh chưng lá riềng, bánh chưng chay, bánh chưng ngọt... Có những gia đình, doanh nghiệp đặt tôi từ 20-80 chiếc rồi mang về luộc tại nhà để có không khí Tết. Để phục vụ nhu cầu của khách, tôi phải thuê thêm 5 nhân công, chủ yếu giúp các khâu đãi, rửa nguyên liệu, nấu và giao bánh, mỗi người được trả công từ 200- 300 nghìn đồng/ngày.
Với nhịp sống hiện đại ngày càng hối hả, các cơ sở gói bánh chưng dịch vụ không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng về một món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết cố truyền của dân tộc mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động, giúp họ có một cái Tết đủ đầy hơn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!