Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, công tác dự báo, cảnh báo sớm đóng vai trò rất quan trọng. Thời gian qua, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc đã nỗ lực đưa ra các bản tin dự báo thời tiết chính xác, góp phần giúp người dân và chính quyền địa phương chủ động phòng, chống, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Nhân kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới 23/3, Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Thanh Long, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực Tây Bắc.
Đồng chí Vũ Thanh Long hướng dẫn cách theo dõi bản đồ bề mặt trên cao để phân tích hình thể thời tiết tại Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc.
Phóng viên: Xin ông cho biết thông tin cơ bản về mạng lưới trạm quan trắc KTTV hiện nay tại khu vực Tây Bắc?
Ông Vũ Thanh Long: Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc hoạt động trên địa bàn 4 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hoà Bình, với diện tích tự nhiên trên 37.300 km². Mạng lưới trạm KTTV quốc gia do Đài quản lý gồm 22 trạm khí tượng, 15 trạm thủy văn cơ bản, 7 trạm quan trắc môi trường nước mưa, nước sông hồ, 1 trạm Rada thời tiết, 1 trạm Thám không vô tuyến, 2 trạm bức xạ, 1 trạm Giám sát khí hậu và hệ thống 88 trạm đo mưa, 6 trạm thủy văn tự động. Ngoài ra Đài còn khai thác số liệu của gần 100 trạm đo mưa tự động phục vụ phòng chống thiên tai của các địa phương và trạm đo mưa dùng riêng của các Nhà máy thủy điện.
Hiện nay, mạng lưới trạm quan trắc KTTV cơ bản đã được phủ rộng và đều khắp trên địa bàn khu vực Tây Bắc. Những năm gần đây, Đài KTTV khu vực Tây Bắc đã được quan tâm, từng bước đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa và đan dày hệ thống quan trắc, tiêu biểu Trạm Ra Đa thời tiết Pha Đin đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2019, góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ ngày càng tốt hơn cho công tác PCTT, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc.
PV: Ông đánh giá như thế nào về diễn biến thời tiết và tình hình thiên tai trong những năm gần đây tại khu vực Tây Bắc? Công tác dự báo, cảnh báo đã được Đài triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Thanh Long: Những năm gần đây, thời tiết có những diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra nhiều hơn, bất thường và khốc liệt hơn, gây thiệt hại nặng nề cho nhà nước và nhân dân. Trong đó, đợt siêu rét xảy ra từ 23-27/1/2016 gây băng giá và mưa tuyết ở nhiều nơi; trận lũ quét xảy ra trên suối Nặm Păm sáng ngày 3/8/2017 gây thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân; năm 2019, nhiều giá trị nhiệt độ thiết lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, mùa mưa bắt đầu muộn và kết thúc sớm...
Để triển khai công tác dự báo, cảnh báo, Đài đã chỉ đạo các đơn vị làm công tác dự báo KTTV thực hiện nghiêm túc các bước xây dựng bản tin cảnh báo, dự báo theo đúng quy trình, quy định; theo dõi chặt chẽ và dự báo, cảnh báo kịp thời diễn biến thời tiết, thủy văn, nhất là các hiện tượng KTTV nguy hiểm; thực hiện nghiêm túc các quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai; các bản tin cảnh báo, dự báo phải cung cấp kịp thời và bổ sung theo diễn biến của mưa, lũ cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN và các ban, ngành, địa phương.
Trong thời gian qua, Tổng Cục KTTV đã có nhiều nghiên cứu KHCN đánh giá tác động của biến đổi thời tiết thủy văn và đầu tư, nâng cấp, tự động hoá hệ thống đo đạc, quan trắc mạng lưới trạm KTTV, đào tạo đội ngũ dự báo viên có trình độ chuyên môn cao. Các đơn vị làm công tác dự báo đã cập nhật kịp thời các sản phẩm dự báo, cảnh báo KTTV, nâng cao chất lượng các bản tin dự báo, phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai của địa phương.
PV: Thiên tai đang ngày càng diễn biến cực đoan, khó lường, vậy Đài KTTV Khu vực Tây Bắc đã và đang triển khai các giải pháp gì để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai?
Ông Vũ Thanh Long: Trước tình hình thiên tai đang ngày càng diễn biến cực đoan, khó lường, để giúp các cấp chính quyền và người dân chủ động ứng phó, giảm rủi ro thiên tai, hàng năm, Đài KTTV Khu vực Tây Bắc đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và triển khai rà soát toàn bộ phương án và quy trình dự báo, cảnh báo, ban hành sớm các bản tin KTTV gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN trên toàn tỉnh, đồng thời liên tục theo dõi, cập nhật khi có thay đổi về tình hình thời tiết thủy văn.
Ngoài việc cung cấp các bản tin theo quy định, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị làm công tác dự báo tăng tần suất ban hành các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai (dông, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở đất…). Cùng với đó, đơn vị đang nghiên cứu cải tiến và đổi mới các bản tin theo hướng “dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro” để các cơ quan PCTT và người dân dễ dàng tiếp cận. Năm 2021, Đài KTTV Khu vực Tây Bắc cũng đang đề xuất với tỉnh xây dựng 2 trạm khí tượng tự động tại xã Tà Xùa (Bắc Yên) và xã Vân Hồ (Vân Hồ) để phục vụ dự báo, cảnh báo sớm về mưa lớn, rét đậm, rét hại phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân và đưa ra bản tin thời tiết sớm nhất cho du khách muốn đi du lịch trải nghiệm chọn thời điểm hợp lý.
PV: Theo dự báo, thời tiết năm 2021 khu vực Tây Bắc có diễn biến như thế nào? Ông có khuyến cáo gì đối với chính quyền địa phương và nhân dân, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai?
Ông Vũ Thanh Long: Năm 2021, thời tiết trên khu vực Tây Bắc tiếp tục diễn biến khó lường, các hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm sẽ còn nhiều khả năng xảy ra trên phạm vi toàn khu vực. Trong đó, cần đề phòng có khả năng xảy ra các hiện tượng dông lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ. Từ tháng 5-10 có khả năng xuất hiện các đợt lũ, trong đó tháng 6 - 8 xuất hiện lũ vừa lũ lớn. Mực nước trung bình, cao nhất, thấp nhất ở mức xấp xỉ so trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm trước. Đỉnh lũ các sông vừa ở mức báo động 1 đến báo động 2, riêng các sông suối nhỏ từ báo động 2 đến báo động 3. Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra trên địa bàn toàn khu vực.
Để giúp các cấp chính quyền và người dân giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp chính quyền địa phương cần rà soát, đánh giá và điều chỉnh phương án để chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó, nhanh chóng khắc phục hậu quả. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đi cùng các giải pháp phòng, tránh... Tuyên truyền nhân dân thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để nắm bắt tình hình chung. Mặt khác, khi có mưa nên theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, nếu mưa to kéo dài chủ động phòng, tránh lũ quét, lũ lớn, không nên ở hoặc trú mưa ở những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!