Năm nay, xã Co Mạ (Thuận Châu) gieo gần 1.000 ha lúa nương. Những ngày qua, do thời tiết diễn biến bất thường đã tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại cho lúa. Hiện, hơn 30 ha lúa của các bản Co Mạ, Láo Hả, Sình Thàng, Pha Khuông, Co Nghè B, Xá Nhá A, B, Pá Chả bị sâu cắn gié phá hoại, công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa đang được chính quyền và bà con nông dân tích cực triển khai.
Người dân bản Co Mạ, xã Co Mạ (Thuận Châu) phun thuốc phòng trừ sâu cắn gié gây hại cho lúa.
Ông Bạc Cầm Cảm, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Ngay sau khi phát hiện sâu bệnh gây hại lúa, xã đã cử cán bộ xuống các bản kiểm tra, thống kê diện tích lúa bị nhiễm; chỉ đạo cán bộ khuyến nông cơ sở hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện khoanh vùng, tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ, không để sâu bệnh lây lan ra diện rộng.
Theo người dân thì nhiều năm trở về trước trên địa bàn xã đã xuất hiện loài sâu cắn gié gây hại trên lúa nương, nhưng chưa bao giờ số lượng sâu lại nhiều, mật độ dày như năm nay, trung bình từ 20-50 con/m2, có nơi lên đến trên 70 con/m2, gây hại nặng nhất ở những diện tích lúa non. Đây là loài sâu cắn gié gây hại trên lúa mùa thường đi theo đàn, có sức phá hoại lớn, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ phát sinh thành dịch và gây hại trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất, thậm chí là mất mùa. Đặc điểm của sâu cắn gié là sâu non có màu nâu nhạt, lưng có 4 vệt màu đen xám chạy dọc, đầu màu da cam đậm, sâu trưởng thành dài từ 38-40 mm, ban ngày ẩn nấp dưới gốc lúa hoặc dưới cỏ, ban đêm bò lên ăn lá. Vòng đời trung bình của loài sâu này từ 45-60 ngày, trong đó, giai đoạn trứng từ 3-5 ngày, sâu non 25-30 ngày, nhộng 5-7 ngày, bướm 7-10 ngày.
Bản Co Mạ có diện tích lúa nương bị sâu cắn gié gây hại nhiều nhất, một số diện tích đã bị sâu cắn gié ăn đến tận gốc. Chị Vừ Thị May, vừa phun xong thuốc trừ sâu cho nương lúa, chia sẻ: Gia đình tôi năm nay gieo hơn 1 ha lúa nương, cách đây hơn một tuần, thấy xuất hiện những con sâu nhỏ bằng kim máy khâu trên lá lúa, nhưng vì chủ quan không phun thuốc trừ sâu kịp thời, nên chỉ sau 3 ngày, toàn bộ diện tích đã bị sâu hại, nhiều chỗ chỉ còn trơ gốc.
Gia đình anh Và A Dia, ở bản Pá Chả cũng gieo hơn 1 ha lúa nương, ngay sau khi phát hiện sâu cắn gié, anh đã mua thuốc về phun, nhưng cũng chỉ hạn chế sâu phát triển mà không diệt được triệt để. Anh Dia bảo: Do các hộ không thực hiện phun thuốc đồng thời, nên khi phun thuốc ở nương này thì sâu ở nương khác lại di chuyển sang.
Xã Co Mạ đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, cử cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân chủ động phòng trừ sâu cắn gié nên bước đầu đã hạn chế sâu gây hại trên diện tích lúa nương. Song, khó khăn lớn nhất là do người dân tự mua các loại thuốc ở các cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, không rõ nguồn gốc, chất lượng, thậm chí có nhiều hộ đã tốn chi phí mua thuốc đến cả triệu đồng mà vẫn không hiệu quả. Bởi vậy, rất mong các cấp, các ngành, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!