Vào mùa đông, nhiệt độ ở xã Co Mạ (Thuận Châu) có lúc xuống dưới 50c, ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, đặc biệt là chăn nuôi của người dân. Vì vậy, hằng năm, bước vào mùa đông, xã Co Mạ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân.
Nông dân bản Co Nghè B, xã Co Mạ trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc mùa đông.
Đồng chí Bạc Cầm Cảm, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Do trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức của người dân còn hạn chế, xã Co Mạ là địa bàn rộng, đường đi vào các bản chưa được mở rộng, bê tông hóa nên việc tuyên truyền và vận động cho bà con chủ động phòng chống rét cho gia súc gặp nhiều khó khăn, năm 2016, xã có tổng số 41 con gia súc bị chết rét (8 con bò, 19 con nghé và 14 con trâu). Năm nay, để hạn chế thiệt hại cho người dân, trong quá trình tuyên truyền ngoài việc hướng dẫn, tổ công tác còn vận động người dân tham gia ký cam kết làm chuồng, trại, chuẩn bị dự trữ thức ăn cho đàn gia súc để luôn đảm bảo đàn gia súc đủ ấm, đủ thức ăn trong mùa đông. Thông qua đó, giúp người dân có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc.
Hiện, toàn xã có hơn 850 con trâu; 1.588 con bò; 7 con ngựa; hơn 2.000 con dê. Đặc thù là xã vùng núi cao, khí hậu giá lạnh, người dân trong xã lại có thói quen chăn nuôi gia súc thả rông. Ngay từ đầu mùa đông, xã Co Mạ đã chỉ đạo các tổ công tác xuống các bản hướng dẫn người dân làm chuồng trại để che chắn, tránh gió lùa cho gia súc, đảm bảo đủ ấm trong mùa đông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc trong mùa đông; không thả gia súc, nhất là những ngày giá rét, sương muối; rà soát, thống kê thực trạng số hộ chăn nuôi đã có chuồng trại đủ điều kiện; vận động các hộ chưa có chuồng trại hoặc chuồng tạm, làm mới, sửa chữa để đảm bảo phục vụ chăn nuôi, ứng phó với biến đổi khí hậu, các đợt rét đậm, rét hại.
Với sự vào cuộc quyết liệt của xã, người dân ở các bản của xã Co Mạ đã biết chuẩn bị các vật liệu sẵn có của địa phương, hộ gia đình như: Phên tre, nứa, tải dứa, lá cọ, vải bạt dự phòng cho những ngày giá rét, sương muối. Tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi; thu gom rơm vụ mùa, các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản làm thức ăn dự trữ đủ trong mùa đông; thu hoạch cỏ voi và thân cây ngô... ủ chua, ủ rơm urê, kiềm hóa để tăng giá trị dinh dưỡng nguồn thức ăn; sử dụng sản phẩm trồng trọt như: ngô hạt, sắn, đậu, đỗ, bí đỏ, khoai lang, dong riềng. Chế biến, dự trữ làm thức ăn cho gia súc.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi gia súc nhiều năm nay, ông Vàng Giống Hờ, bản Co Mạ, cho biết: Gia đình tôi hiện có 10 con bò, 1 con trâu, vào mùa đông giá rét, khi nhiệt độ giảm dưới 100c thì tôi gia cố chuồng trại cho gia súc, rồi di chuyển đàn gia súc từ chỗ thả rông về nhốt chuồng. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn trồng hơn 1 ha cỏ voi, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc.
Tuy đã có nhiều biện pháp thiết thực được triển khai, hướng dẫn cho người dân chủ động phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi trong mùa đông, song tình hình thời tiết thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là vùng núi cao, nhiệt độ luôn giảm sâu, ảnh hưởng đến việc chăm sóc đàn vật nuôi. Bởi vậy, các cấp, chính quyền địa phương cần quan tâm, đôn đốc, nhắc nhở người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc.
A Mua (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!