Chung tay phòng, chống rác thải nhựa

Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2019, với mục tiêu giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã và đang triển khai các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, có sức lan tỏa, truyền tải thông điệp mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh chung tay hưởng ứng.

Học sinh Trường Tiểu học Quyết Thắng (Thành phố) sử dụng chai thủy tinh đựng nước tại lớp học.

Trước thềm năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Chiến dịch phù hợp với điều kiện thực tế; yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền, các đoàn thể trên địa bàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, sinh hoạt chuyên đề bảo vệ môi trường để nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh về vai trò, ý nghĩa; đồng thời, có hành động cụ thể trong việc giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn; chỉ đạo các nhà trường lồng ghép nội dung giáo dục môi trường vào các hoạt động chính khóa, ngoại khóa; ra quân vệ sinh môi trường, hướng dẫn học sinh thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa tại nhà trường, cộng đồng... 

Để tìm hiểu thêm về hoạt động giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trong trường học, chúng tôi tới Trường Tiểu học Quyết Thắng (Thành phố) - đơn vị tích cực hưởng ứng Chiến dịch. Theo quan sát trước giờ vào học, lớp nào cũng vậy, những tập sách vở của các em học sinh đã được bọc bằng giấy báo thay vì nilon hoặc băng dính. Phía cuối lớp, các em xếp hàng, lần lượt lấy nước từ máy lọc vào bình đựng nước cá nhân hoặc chai, cốc thủy tinh do nhà trường trang bị. Trò chuyện với em Đỗ Ánh Dương (học sinh lớp 4A3), được biết từ đầu năm học, các em đã được các thầy giáo, cô giáo giảng về tác hại của rác thải nhựa; hướng dẫn cách thay thế đồ nhựa dùng một lần (chai, cốc, hộp, ống hút, thìa...) bằng những vật dụng thân thiện môi trường để hạn chế rác thải nhựa; các em được hướng dẫn tham gia thu gom, phân loại, chọn lọc rác thải nhựa để làm chậu hoa, đồ dùng học tập, trang trí lớp học, khuôn viên... 

Cô giáo Đỗ Thị Na, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: Năm học này, nhà trường đã xây dựng và triển khai kế hoạch hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, nhựa sử dụng một lần; đồng thời, tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế sản phẩm nhựa trong các hoạt động của đơn vị, những vật dụng phục vụ bếp ăn bán trú gồm xoong, nồi, bát, khay đựng cơm, thìa, đũa... bằng nhựa, đều được thay mới bằng vật liệu inox, thủy tinh. Công tác vận động, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường không chỉ thực hiện trong trường học, mà còn ở gia đình, nơi công cộng. Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên soạn bài và dạy học theo hướng lồng ghép, kết hợp các nội dung giáo dục bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa trong các môn Đạo đức, tiếng Việt, tự nhiên và xã hội, kỹ năng sống... Các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh về chống rác thải nhựa được tổ chức thông qua ngoại khóa chuyên đề về môi trường, phát động các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về bảo vệ môi trường, thi trình diễn thời trang theo chủ đề phòng chống rác thải nhựa...

Những hoạt động thiết thực, gần gũi, dễ thực hiện của giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Quyết Thắng cũng là phương pháp mà các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cho các thế hệ học sinh nói riêng và cộng đồng nói chung, hướng tới mục tiêu làm thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần, hạn chế sử dụng đồ nhựa khó phân hủy, góp phần bảo vệ môi trường bền vững, tránh nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa trong đời sống.

Lê Hạnh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới