Theo báo cáo nhanh ngày 24/7 của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, hồi 04h00 ngày 24/07, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc, 111,2 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10.
Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão tại âu thuyền huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 4, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 29/CĐ-TW hồi 18h00 ngày 23/7/2017 gửi các Bộ, ngành, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố chỉ đạo một số nội dung để đối phó với bão số 4 và tình hình mưa lũ có thể xảy ra từ tỉnh Quảng Ninh đến Đà Nẵng và các tỉnh Bắc Bộ. Bộ Giao thông vận tải đã có Công điện số 36/CĐ-BGTVT ngày 23/7/2017 chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động ứng phó với bão số 4.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thường xuyên cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo về bão, và mưa lũ đến các cấp, ngành, chính quyền các địa phương để chỉ đạo ứng phó.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có công điện số 3330/EVN-AT ngày 23/7/2017 gửi các đơn vị chức năng chủ động phòng, tránh, hạn chế thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục phát tin về tình hình bão số 4, mưa, lũ để các cấp chính quyền và nhân dân chủ động ứng phó.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên theo dõi diễn biến bão số 3, số 4, mưa lũ, tình hình xả lũ hồ chứa, diễn biến mực nước trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; tổng hợp công tác triển khai của các địa phương ứng phó với bão và xả lũ từ các hồ thủy điện.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi diễn biến thời tiết, chỉ đạo các cơ quan chức năng có các biện pháp để chủ động ứng phó với bão số 4, mưa lũ và sạt lở đất. Trong ngày các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có công điện chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục diễn biến của bão và tình hình mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất để triển khai các biện pháp ứng phó.
Tất cả các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng đã phối hợp với Bộ đội biên phòng thông tin, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển.
Tỉnh Nghệ An và thành phố Hải phòng đã thành lập các đoàn, phân công lãnh đạo xuống các địa bàn kiểm tra công tác ứng phó với bão tại các địa phương trong đó đặc biệt đối với các trọng điểm đê điều, hồ chứa xung yếu và các khu vực dân cư ven sông, ven biển, thấp trũng, đô thị ngập lụt,...
Về công tác kiểm đếm tàu thuyền, theo báo cáo số 257/BC-CQTT ngày 24/7 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho: 61.774 phương tiện/249.329 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 4 để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm. Trong đó: Hoạt động trong khu vực nguy hiểm (gồm cả quần đảo Hoàng Sa) là 415 tàu/3.319 lao động; neo đậu tại bến: 51.651 phương tiện/180.782 lao động; hoạt động tại các khu vực khác: 9.708tàu/65.228 lao động.
Về lũ trên sông Thao, sông Hồng: Mực nước trên sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ đang xuống chậm; trên sông Hồng tại Hà Nội đang lên chậm. Lúc 15 giờ ngày 23/7, mực nước trên Sông Thao tại Lào Cai: 80,05m (trên báo động 1: 0,05m), tại Yên Bái: 31,02m (trên báo động 2: 0,02m), tại Phú Thọ: 17,24m (dưới báo động 1: 0,26m); Sông Hồng tại Hà Nội: 7,63m (dưới báo động 1: 1,87m)
Lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt nguy cơ cao tại các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Than Uyên (Lai Châu); Mường Khương, Bảo Yên, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Bảo Thắng, TP Lào Cai, Sa Pa (Lào Cai); Bảo Lạc, Thông Nông (Cao Bằng); Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La, Vân Hồ, Phù Yên, Bắc Yên, Sông Mã (Sơn La); Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp độ 1.
Mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội đang lên, lúc 7h00 ngày 24/7 mực nước tại Hà Nội là 7,69m (tăng 0,15 m so với 7h00 ngày 23/7). Mực nước các sông trên hệ thống sông Thái Bình biến đổi chậm và dao động theo thủy triều, lúc 7h00 ngày 24/7 mực nước tại Phả Lại là 3,25m. Dự báo: Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên, đạt đỉnh vào sáng 24/7 và sẽ xuống, đến 7h00 ngày 25/7 mực nước tại Hà Nội sẽ xuống mức 7,35m. Mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại biến đổi chậm, đến 19h00 ngày 24/7, mực nước có khả năng ở mức 3,25m.
Những công việc triển khai tiếp theo, Văn phòng thường trực kiến nghị một số công việc trọng tâm, cấp bách cần triển khai như sau: Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và thông báo kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm, rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án phòng, tránh theo nội dung công điện số 29/CĐ-TW hồi 18h00 ngày 23/7 của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Các tỉnh hạ du hồ Hòa Bình tăng cường công tác thông tin cảnh báo và sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều khi hồ đang xả lũ.
Các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và các địa phương tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão, phổ biến các kỹ năng ứng phó với bão và mưa lũ theo tài liệu được cung cấp từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!