Sáng 27/12 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có buổi họp trực tuyến với một số địa phương khu vực Nam Trung bộ nhằm bàn các giải pháp ứng phó với bão số 10.
Quang cảnh buổi họp.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 7 giờ ngày 27/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 116,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 480km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó đổi hướng di chuyển Tây Nam, mỗi giờ đi được 15km. Đến 7 giờ ngày 28/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 230km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10-11. Vùng nguy hiểm có gió mạnh từ cấp 6 trở lên phía Bắc Vĩ tuyến 12,5 độ; phía Đông Kinh tuyến 113 độ; gió mạnh từ cấp 8 trở lên từ phía Vĩ tuyến 13 độ đến Vĩ tuyến 16 độ; từ Kinh tuyến 114 độ đến Kinh tuyến 117 độ. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được 20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Theo báo cáo nhanh của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 27/12, Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.280 phương tiện/335.645 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Để chuẩn bị lực lượng ứng phó với bão số 10, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Bình - Phó Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, về lực lượng đã triển khai 273 nghìn người, trong đó lực lượng quân đội 44 nghìn cán bộ, chiến sĩ. Về phương tiện đã sẵn sàng 8 máy bay trực thăng, 258 tàu và gần 1 nghìn xuồng các loại sẵn sàng ứng phó bão với lũ. Các Quân khu 4, Quân khu 5, Quân khu 7 đã có điện chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, sẵn sàng ứng phó khi bão số 10 và mưa lũ ảnh hưởng.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, thiệt hại do thiên tai xảy ra vừa qua ở các tỉnh, thành phố miền Trung là rất lớn. Hiện nay, tại một số khu vực nước lũ vẫn chưa rút hết, cộng thêm mưa của hoàn lưu bão số 10 sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, song song với khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định sản xuất và đời sống người dân cần sẵn sàng các phương án, không chủ quan trong ứng phó bão số 10. Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là tập trung kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển ra khỏi vùng nguy hiểm của cơn bão. Đặc biệt lưu ý đảm bảo an toàn hồ chứa trên địa bàn, đề phòng mưa lớn gây ra sự cố.
Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cần liên tục cập nhật thông tin về cơn bão để các cơ quan quản lý và người dân biết, chủ động ứng phó. Đặc biệt, thường xuyên theo dõi dự báo để cảnh báo, thông tin tàu thuyền không đi vào vùng nguy hiểm của bão số 10. Cùng với đó, các địa phương cần chú ý đến công tác kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền, đồng thời đặc biệt lưu ý, mưa lớn vùng núi sẽ rất nguy hiểm, vì vậy không chủ quan trong công tác ứng phó, tránh gây thiệt hại về người./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!