Chủ động tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh đàn vật nuôi

Trong thời điểm thời tiết giao mùa, luôn là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh phát tán, lây lan trên đàn vật nuôi... để phòng chống, khắc phục, hạn chế dịch bệnh, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó, tập trung triển khai tiêm các loại vắc-xin phòng dịch bệnh, đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững.

 

 

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn kiểm tra công tác

phòng chống dịch bệnh đàn vật nuôi của các hộ gia đình xã Cò Nòi.

 

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho hay, toàn tỉnh hiện có trên 1,2 triệu con gia súc và gần 7 triệu con gia cầm. Do tỉnh ta có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau; phần lớn bà con vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ; nhiều hộ chăn nuôi ở các xã, bản xa trung tâm không chú ý việc tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi bởi sợ tốn kém, cho rằng vật nuôi đang khỏe không phải tiêm phòng; chưa có cơ sở giết mổ tập trung... dẫn đến công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất khó khăn. Chi cục đã phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, thống kê lại tổng đàn gia súc, gia cầm ở các hộ, trang trại, gia trại trong diện phải tiêm phòng; triển khai kế hoạch tiêm phòng các loại vắc-xin định kỳ; tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh đến người chăn nuôi. Đồng thời, kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm, xử lý kiên quyết các vi phạm...

 

Theo thống kê, trong năm qua, hệ thống thú y toàn tỉnh đã tổ chức tiêm gần 524.000 liều vắc-xin LMLM, gần 548.000 liều vắc-xin tụ huyết trùng trâu bò, trên 212.000 liều vắc-xin dịch tả lợn, gần 143.500 liều tiêm phòng dại cho chó, 144.000 liều ung khí thán; cấp phát trên 70.000 lít hóa chất tiêu độc khử trùng tới các huyện, xã, bản. Cũng trong năm, xảy ra dịch LMLM tại Sông Mã, Mộc Châu, Yên Châu, Sốp Cộp làm 698 con gia súc mắc bệnh, 68 con chết; bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 438 tổ, bản, tiểu khu, 127 xã thuộc 12 huyện, thành phố, có tới trên 15.500 con lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy; dịch tai xanh xảy ra tại 1 bản của xã Chiềng Khương (Sông Mã), làm 109 con lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy. Năm 2020 này, dự báo tình hình dịch bệnh động vật vẫn diễn biến phức tạp, mỗi năm ngành chăn nuôi và thú y sẽ tổ chức ít nhất 2 đợt tiêm phòng quy mô lớn vào vụ xuân hè và vụ thu đông; ngoài ra, thực hiện tiêm bổ sung đối với những vật nuôi phát sinh; tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh, điều kiện chăn nuôi, vệ sinh thú y, vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn dịch bệnh, thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định...

 

Với kinh nghiệm hơn 10 năm chăn nuôi gia súc, gia cầm, trung bình mỗi năm, gia đình chị Lò Thị Thanh (bản Mé, phường Chiềng Cơi, Thành phố) xuất bán hàng nghìn con gà thịt, gà giống ra thị trường. Chị cho biết đã không ít lần bị mất trắng vì dịch bệnh trên đàn gia cầm, nên gia đình chị luôn đề cao công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; quan tâm theo dõi tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, nắm chắc các loại dịch bệnh đang bùng phát tại các tỉnh, thành khác, để có kế hoạch bảo vệ an toàn đàn gia cầm; ngoài tiêm phòng vắc-xin theo định kỳ, còn phải thường xuyên phun thuốc khử trùng, tiêu độc, rắc vôi bột, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, bổ sung thức ăn dinh dưỡng nhằm tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi. 

 

Tiêm vắc-xin phòng bệnh là một trong những biện pháp tích cực, chủ động nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, vì vậy, các cấp, các ngành chuyên môn tập trung tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; chủ động cung ứng kịp thời, đầy đủ tới từng xã, bản cơ số thuốc cho công tác phòng trừ dịch bệnh; cùng với đó, các hộ chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học từ sản xuất giống, tới quá trình chăm sóc, hạn chế dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới