Theo dự báo thời tiết, vụ xuân năm nay có thể xảy ra tình trạng nắng nóng và khô hạn kéo dài. Tổng lượng mưa dao động ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm và thường xuất hiện vào buổi tối, còn ban ngày nắng nóng tạo điều kiện tốt cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, đồng thời, cũng là điều kiện cho sâu bệnh phát sinh gây hại, nhất là bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng và sâu cuốn lá nhỏ trên diện tích lúa chiêm xuân.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh
kiểm tra định kỳ sâu, bệnh trên cây cà phê ở xã Chiềng Cọ (Thành phố).
Nhằm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã đề ra phương án quản lý dịch hại trên một số cây trồng chính vụ xuân. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương, cán bộ chuyên môn và người dân bảo vệ mùa màng, canh tác đạt hiệu quả. Về sản xuất, tổng diện tích lúa chiêm xuân toàn tỉnh là 11.925 ha với các giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao: BC15, TBR 225, TBR1...; giống lúa thuần chất lượng: N87, N97, VS1... giống lúa chống chịu sâu bệnh, điều kiện thời tiết không thuận lợi: CR203 (chống chịu rầy nâu), CH5 (chịu hạn)... Trồng mới 1.941 ha cây ăn quả, 243 ha cây cà phê, 158 ha chè, 53 ha mía...
Dịch hại trên một số cây trồng chính đã được cơ quan chuyên môn khuyến cáo thời gian từ khoảng tháng 3 trở đi sẽ xuất hiện nhiều đối tượng sâu, bệnh hại chính. Trên cây lúa sẽ xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn; ngoài ra, ốc bươu vàng, bọ trĩ, bệnh nghẹt rễ sinh lý hại đầu vụ; bọ xít dài, nhện gié, bệnh đen lép hạt hại lúa sau trổ bông. Đặc biệt chú ý sự xuất hiện và gây hại của bệnh lùn sọc đen ở giai đoạn từ cấy đến 40 ngày. Trên cây ngô, sâu xám, dế, bọ hung sẽ xuất hiện và gây hại mạnh khi ngô bắt đầu mọc đến 4 lá. Từ đầu tháng 3 trở đi, cây trồng này có thể bị đe dọa bởi những dịch hại, như: bệnh đỏ huyết dụ, bệnh đốm lá nhỏ, khô vằn, lùn sọc đen, sâu đục thân, đục bắp, rệp ở ngô... Đối với các cây ăn quả có múi từ tháng 3 trở đi là thời điểm các sâu bệnh như nhện đỏ, nhện rám vàng, bệnh phấn trằng, sâu vẽ bùa... xuất hiện và gây hại.
Đối với cây công nghiệp, đáng chú ý là hiện nay cây cà phê đang thời kỳ ra hoa và hình thành quả có xuất hiện xén tóc đục thân, tỷ lệ hại phổ biến 3% cây, cao 10% cây, diện tích nhiễm 26,5 ha; tỷ lệ bệnh thán thư phổ biến 6,5 % cành, cao 25% cành, diện tích nhiễm 28,4 ha; rệp vảy xanh, rệp vảy nâu: tỷ lệ hại phổ biến 6,2% cành, cao 25% cành, diện tích nhiễm 22,4 ha tại các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố. Cây chè xuất hiện bệnh dán cao gây hại trên diện tích 86,4 ha tại huyện Mộc Châu và Thuận Châu với tỷ lệ phổ biến 2,5% cây, cao 8% cây. Cây rau màu có cây ớt đang thời kỳ ra hoa, đậu quả xuất hiện bệnh thối rễ do nấm, tỷ lệ phổ biến 10% cây, cao 50%, cá biệt 80% cây, diện tích nhiễm 45 ha tại huyện Yên Châu. Cây ăn quả có cây nhãn đang thời kỳ phân hóa mầm hoa cũng xuất hiện rệp sáp, tỷ lệ hại phổ biến 5% cành, cao 12% cành, diện tích nhiễm 25 ha tại huyện Mai Sơn; bọ xít nâu tỷ lệ bệnh phổ biến 1 con/cành, cao 2 con/cành, diện tích nhiễm 1,5 ha tại huyện Sông Mã. Dự báo từ tháng 4 đến tháng 7, châu chấu tre lưng vàng sẽ nở ở khu vực rừng hỗn giao tại bản Huổi Ún và bản Liềng, xã Mường Lèo (Sốp Cộp).
Để chủ động bảo vệ cây trồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã đề ra một số biện pháp phòng, trừ và yêu cầu Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thành phố thường xuyên bám nắm và thông tin kịp thời tình hình dịch hại trên địa bàn; tích cực phối hợp với cán bộ khuyến nông tham mưu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn bà con gieo trồng đúng lịch thời vụ, chăm sóc và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo kỹ thuật “4 đúng”. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh trên cây lúa, như: quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI); thực hiện “3 giảm, 3 tăng”. Tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt trên cây rau, cây ăn quả, áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP... Đồng thời tích cực điều tra, phát hiện định kỳ sâu bệnh trên cây trồng; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật; hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng, trừ dịch hại đến nông dân. Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý tốt việc lưu thông, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!