Từ đầu năm đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, từ tháng 4 đến tháng 6, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các đợt mưa đá, gió lốc, mưa to kèm theo sét trên địa bàn các huyện: Mường La, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ, Quỳnh Nhai, Bắc Yên, Sốp Cộp, Thuận Châu, làm 6 người chết (trong đó 3 người chết do sét đánh và 3 người chết do sạt lở đất đá), 3 người bị thương; 9 nhà sập đổ hoàn toàn, 580 nhà bị hư hỏng, tốc mái; hơn 110 ha hoa rau màu bị hư hại, hơn 1.000 ha mận, bơ, chanh leo bị gẫy cành và rụng quả; thiệt hại 14 lồng bè, thuyền máy và 150 kg thủy sản bị cuốn trôi; 4 điểm trường bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại hơn 100 tỷ đồng.
Các hộ bị sập nhà do mưa lũ được di chuyển đến nơi ở mới
tại điểm tái định cư bản Sọc, xã Mường Bang (Phù Yên).
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc, tình hình thời tiết, thủy văn mùa mưa lũ năm nay diễn biến phức tạp; số cơn bão, áp thấp nhiệt đới có thể xuất hiện nhiều hơn ở Bắc Bộ. Nền nhiệt độ trong phạm vi toàn tỉnh xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm; nắng nóng xuất hiện nhiều, lượng mưa từ tháng 6 đến tháng 8 ở mức xấp xỉ và nhiều hơn trung bình nhiều năm; các trận lũ vừa, lũ lớn tập trung vào tháng 7, 8 và đỉnh lũ trên các sông, suối ở cấp báo động II, III; lũ quét, sạt lở có khả năng xuất hiện nhiều...
Để chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ năm nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Quyết định số 780/QĐ-UBND, ngày 12/4/2018 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; xác định mục tiêu, nhiệm vụ, xây dựng phương án và giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác PCTT&TKCN. Đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện rà soát các công trình thủy lợi, thủy điện, các tuyến đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống thông tin liên lạc... thực hiện tu sửa trước mùa mưa lũ; rà soát các điểm dân cư, nhất là các khu thường xảy ra lũ quét, sạt lở, ngập lụt để thực hiện di chuyển dân đến nơi an toàn. Đồng thời, xây dựng phương án PCTT&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, từng địa phương, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch huy động hơn 1.000 người ở cấp tỉnh; 1.860 người ở cấp huyện, thành phố; 7.100 người ở cấp xã, phường với lực lượng nòng cốt là quân sự, công an, bộ đội biên phòng, y tế, hội chữ thập đỏ, doanh nghiệp và lực lượng xung kích sẵn sàng tham gia ứng cứu, giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra. Đồng thời, chuẩn bị các phương tiện, vật tư sẵn sàng huy động phòng, chống thiên tai, gồm: 85 xe tải, 16 xe cứu thương, 850 xe mô tô, 105 xe chuyên dùng các loại, 33 máy xúc và máy ủi, 55 xuồng và thuyền máy, 24 máy bơm, 35 máy phát điện, hơn 2.000 phao tròn, 1.733 áo phao, 336 nhà bạt các loại... cùng rất nhiều hóa chất khử trùng tiêu độc, thuốc chữa bệnh, xăng, dầu, muối đã được dự trữ.
Đến thời điểm này, các kế hoạch và phương án PCTT&TKCN của tỉnh đã được chuẩn bị chu đáo, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành, từ tỉnh đến các đơn vị, địa phương đã tổ chức trực 24/24 giờ để theo dõi sát diễn biến thời tiết, các tình huống, sự cố thiên tai xảy ra trên địa bàn, lĩnh vực để kịp thời chỉ đạo, cảnh báo và xử lý các tình huống xảy ra. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân các quy định về phòng, chống thiên tai, cảnh giác trước diễn biến bất thường của thời tiết, chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy để hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, các cơ quan chức năng và người dân cần chủ động các phương án phòng tránh theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, mỗi người dân phải tự ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn; không được trú nghỉ tại các lều, lán ven suối, khe lạch, đánh bắt thủy sản, vớt củi, vượt qua suối khi có mưa lũ. Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và cơ sở cũng đang triển khai các biện pháp chủ động đối phó, nhằm đảm bảo an toàn người và tài sản, giúp bà con yên tâm sản xuất, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!