Thực hiện Công văn 167/TTg-NN ngày 5/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm và ở người; Công điện khẩn số 735/CĐ-BNN-TY ngày 3/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm; đây cũng là thời điểm các trang trại, hộ chăn nuôi đang tập trung tái đàn, nếu không thận trọng tuyển chọn con giống và làm tốt công tác phòng dịch, rất dễ xảy ra các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Người dân xã Chiềng Sàng (Yên Châu) nuôi gia cầm tập trung.
PV: Xin ông cho biết, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; đặc biệt là dịch cúm A/H5N1 ở tỉnh ta hiện nay như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Toàn: Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), từ đầu năm đến nay, cả nước phát hiện 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy 43.202 con gia cầm tại 5 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An. Tỉnh ta hiện có trên 1,2 triệu con gia súc, gần 7 triệu con gia cầm. Kể từ năm 2018 đến nay, tỉnh ta không có ổ dịch cúm gia cầm nào; song Chi cục vẫn chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện tuyên truyền, hướng dẫn các hộ, các cơ sở chăn nuôi đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Với đàn gia súc, hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn đã cơ bản được khống chế; từ ngày 3/2 đến nay, không phát sinh thêm lợn mắc bệnh, chết, tiêu hủy; chỉ còn 1 xã chưa qua 30 ngày. Bệnh lở mồm long móng xảy ra trên địa bàn huyện Sốp Cộp từ ngày 21/1 đến 10/2 tại 33 hộ, 5 bản thuộc 2 xã Mường Và, Mường Lạn, 251 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó, 174 con đã khỏi triệu chứng. Các dịch bệnh nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi không xảy ra.
Trong năm 2019, Chi cục đã tiếp nhận và cung ứng gần 80.000 lít hóa chất phun tiêu độc khử trùng, phun chống dịch cho các địa phương; tiêm trên 1,5 triệu liều vắc-xin cho đàn gia súc. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, số cơ sở sản xuất giống vật nuôi còn ít, chưa chủ động nguồn cung cấp con giống đảm bảo chất lượng; một số cơ sở kinh doanh giống vật nuôi theo hình thức lưu động, bán tận nhà cho các hộ dân nên rất khó kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc, dịch bệnh... nên nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh động vật là rất lớn.
PV: Sau Tết Nguyên đán, người dân thường tập trung tái đàn, Chi cục chỉ đạo triển khai công tác kiểm soát, kiểm dịch giống vật nuôi, phòng chống dịch bệnh như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Toàn: Chi cục đã và đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn. Những cơ sở chăn nuôi lớn phải đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt an toàn sinh học; những vùng bị dịch nhưng đã qua 30 ngày và được công bố hết dịch theo quy định, không bị tái dịch và đủ điều kiện, đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học thì có thể tái đàn với khoảng 10% tổng số gia súc, gia cầm có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi tái đàn 30 ngày, lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu đều âm tính với bệnh dịch mới dần tăng đàn; duy trì đảm bảo thật tốt các giải pháp, trong đó chú ý chất lượng và nguồn gốc con giống sạch bệnh. Bên cạnh đó, hướng dẫn các đơn vị cung ứng con giống thực hiện đúng các quy định về kiểm dịch, cụ thể: Gia súc, gia cầm giống phải khoẻ, đạt chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng vắc-xin và nuôi cách ly để theo dõi lâm sàng; hết thời gian nuôi cách ly, đàn gia súc, gia cầm khoẻ mới cung ứng cho các hộ dân. Nghiêm cấm việc bàn giao con giống hoặc cho nhập đàn tại cơ sở chăn nuôi khi chưa có sự đồng ý của cơ quan thú y. Đối với gia súc, gia cầm giống mua ngoài tỉnh, phải có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan thú y nơi xuất phát. Đối với gia súc, gia cầm giống mua trong tỉnh, phải được kiểm tra lâm sàng, tiêm phòng vắc-xin và miễn dịch bảo hộ. Tăng cường kiểm soát tại Trạm Kiểm dịch động vật Vân Hồ, các chốt kiểm soát động vật trên địa bàn tỉnh, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Cùng với đó, thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng khu vực chăn nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở giám sát đàn gia súc, gia cầm, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và các quy trình thực hành tốt trong chăn nuôi. Chỉ đạo phát triển các loại vật nuôi khác nhằm bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, như: Gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản dựa trên nguyên tắc phải kiểm soát được dịch bệnh, cân đối cung cầu thực phẩm và bảo đảm sinh kế cho người nông dân. Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc buôn bán động vật và sản phẩm động vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...
PV: Chi cục có những khuyến cáo gì đối với người chăn nuôi, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Toàn: Bà con lưu ý nên dần từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, trang trại; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến để nâng cao năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế và đảm bảo vệ sinh môi trường. Kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi. Lựa chọn thức ăn, nguồn nước cho vật nuôi đảm bảo an toàn, nên bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa, sức đề kháng cho vật nuôi. Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi nuôi lứa mới. Trong trường hợp bị dịch, nếu tái đàn cần để trống chuồng ít nhất 30 ngày mới nuôi lại. Chủ động tiêm phòng đầy đủ định kỳ các loại vắc-xin để phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Khi phát hiện vật nuôi ốm, chết, phải báo ngay cho thú y xã, UBND xã hoặc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố xử lý kịp thời, tránh lây lan.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!