Tính đến ngày 6/3/2019, toàn quốc đã có 9 tỉnh công bố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương và Hà Nội. Để ngăn chặn bệnh DTLCP, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn, không để bệnh DTLCP xâm nhập địa bàn.
Đàn lợn của người dân xã Mường Cơi (Phù Yên) được chăm sóc và phát triển khỏe mạnh.
Bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng (không lây bệnh cho người và các động vật khác) với khả năng chết lên đến 100%; bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn; vi rút tồn tại lâu ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn; bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn mang mầm bệnh hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, loài gặm nhấm, chim di cư…); các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người. Hiện nay, trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị bệnh DTLCP. Từ ngày 1/2 đến ngày 6/3/2019, ở nước ta đã có 9 tỉnh, thành phố công bố xuất hiện bệnh DTLCP, tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy gần 5.000 con. Đặc biệt, trong các tỉnh đã công bố bệnh DTLCP, thì có 2 tỉnh: Điện Biên và Hòa Bình giáp danh với tỉnh ta, vì vậy việc triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP càng trở nên cấp bách và cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng người dân tham gia phòng, chống bệnh DTLCP.
Để chủ động phòng, chống bệnh DTLCP, ngay từ ngày 6/9/2018 đến nay, Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Sơn La đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và các cơ quan chức năng thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm của bệnh DTLCP, các dấu hiệu nhận biết về bệnh DTLCP, các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả; vận động người chăn nuôi chỉ mua lợn, các sản phẩm từ lợn ở các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y và kiểm soát giết mổ để sử dụng làm thực phẩm, khi phát hiện lợn chết, nghi mắc bệnh DTLCP hoặc chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền, thú y cơ sở, đồng thời nuôi nhốt lợn và áp dụng các biện pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại; nghiêm cấm việc giấu dịch, bán chạy lợn, sản phẩm từ lợn mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh…
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Với sự chủ động, quyết liệt chỉ đạo các biện pháp đồng bộ về phòng, chống bệnh DTLCP, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện có lợn bị mắc bệnh DTLCP. Để tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP, cùng với việc duy trì Trạm kiểm dịch động vật ở Lóng Luông (Vân Hồ) nằm ở cửa ngõ Quốc lộ 6 từ Hòa Bình vào Sơn La, ngày 1/3/2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập thêm 2 chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời ở bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi và bản Bãi Đu, xã Tân Lang (Phù Yên) và giao cho cơ quan chức năng cử cán bộ trực 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc. Việc thành lập 2 chốt kiểm dịch này rất quan trọng, vì đây là 2 điểm nằm ở cửa ngõ Quốc lộ 37 và Quốc lộ 32 từ tỉnh Phú Thọ đi vào tỉnh Sơn La với rất nhiều xe ô tô chở hàng hóa qua lại, trong đó có việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn. Sở NN&PTNT cũng tham mưu UBND tỉnh giao huyện Thuận Châu và Quỳnh Nhai thành lập tổ kiểm dịch vận chuyển lợn từ tỉnh Điện Biên về Sơn La.
Như vậy có thể thấy, tỉnh ta đã chủ động, tích cực triển khai các biện pháp ngăn bệnh DTLCP xâm nhập địa bàn. Tuy nhiên, để việc phòng, chống bệnh DTLCP hiệu quả hơn nữa cần có sự tham gia tích cực của người dân. Khi thấy lợn có dấu hiệu tiêu chảy, cần thực hiện tốt “5 không”: Không giấu dịch; không bán chạy gia súc bị bệnh; không vận chuyển gia súc bị bệnh; không ăn thịt gia súc ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc; không vứt xác gia súc ốm, chết ra ngoài môi trường xung quanh. Đồng thời, báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất biết, xử lý.
Những dấu hiệu nhận biết lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi 1. Lợn bị nhiễm DTLCP sẽ bị sốt cao (41-42 độ C), biểu hiện bằng việc mệt mỏi, chán ăn, tìm chỗ mát để nằm, túm tụm lại gần nhau, thở gấp, da bừng đỏ (đặc biệt ở vùng bụng và các chi). 2. Lợn bệnh sẽ có dịch chảy ra từ mắt hoặc mũi. Lợn thường xuyên khó thở, chảy dãi lẫn máu, chảy máu mũi; kêu và liên tục nôn mửa. Một số con bị táo bón hoặc tiêu chảy ra máu. Đa số lợn nái trong thời gian mang bầu sẽ sảy thai. 3. Những con lợn da bị ửng đỏ có thể chuyển sang màu xanh tím khi bệnh nặng, xuất huyết dưới da. Lợn có thể rơi vào hôn mê do sốc xuất huyết hoặc tràn dịch phổi sau 7 ngày xuất hiện các triệu chứng của DTLCP. 4. Dịch ở khoang ngực và ổ bụng lợn bệnh, có thể dính lẫn máu; xuất huyết toàn bộ nội tạng và bề mặt cơ thể; máu tràn ra từ nội tạng và xác lợn. 5. Lá lách phình to, hạch bạch huyết to, chứa máu nên có thể trông giống cục máu đông. 6. Phổi không xẹp xuống sau khi ngực bị mổ ra; phổi nặng và sáng, có nhiều cục nhỏ giữa các thùy và có dịch kèm bọt khí rỉ ra khi cắt; khí quản thường chứa đầy bọt, và có thể dính máu. 7. Thận bị xuất huyết; bên trong niêm mạc dạ dày cũng có máu và đôi khi bị loét; ruột cũng bị tắc và có thể chứa máu. |
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!