Chủ động các biện pháp phòng, chống hạn

Hiện nay, đang bước vào giai đoạn cao điểm mùa khô. Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác các công trình thủy lợi, hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh phần lớn đã cũ, các hồ chứa đến thời điểm hiện tại hầu như mực nước chỉ còn dưới 40% dung tích thiết kế, lòng hồ bị phù sa bồi đắp với khối lượng lớn. Không ít nơi thiếu nước sản xuất, sinh hoạt.

 

 

Người dân xã Đông Sang (Mộc Châu) chăm sóc cho diện tích dâu tây.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.692 công trình thủy lợi. Trong đó, có 105 hồ chứa, 3 công trình tiêu thoát lũ; 953 đập xây; 5 đập cao su; 40 cống, cửa lấy nước; 119 công trình kênh mương dẫn nước; 3 trạm bơm, 3 công trình kênh tiêu thoát lũ; 150 phai rọ thép; 1.318 phai tạm với tổng chiều dài kênh trên 3.000 km phục vụ tưới tiêu cho trên 31.000 ha lúa, cây công nghiệp và nuôi thủy sản, tiêu thoát lũ khu vực nông thôn, đô thị với diện tích 67.000 ha.

 

Qua tìm hiểu được biết, vụ xuân năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy hơn 12.300 ha. Để khắc phục những diễn biến bất thường của thời tiết, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất vụ lúa xuân 2020 tập trung vào trà xuân muộn, với nhiều biện pháp canh tác nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất; rà soát diện tích có nguy cơ hạn cao, không đủ nước trồng lúa để hướng dẫn nông dân chủ động chuyển đổi sang các loại cây trồng  cần ít nước tưới hơn, như rau màu, ngô, đậu... để tránh thiệt hại và để hoang đất.

 

 

Diện tích ruộng lúa của gia đình bà Đèo Thị Mai được chuyển sang trồng bí cho thu nhập ổn định.

 

Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác công trình thủy lợi, cho biết: Ngay từ cuối năm 2019, Công ty đã chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về sử dụng nguồn nước hợp lý, khoa học, tiết kiệm, tránh gây thất thoát nguồn nước. Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thời tiết, kịp thời điều chỉnh quy trình vận hành, quy trình tưới của các công trình. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện trong công tác chỉ đạo nhân dân xuống giống, gieo trồng các loại cây để có kế hoạch điều tiết nước phù hợp. Đối với các diện tích không còn khả năng cấp nước, đề xuất phương án chuyển đổi cây trồng từ lúa nước sang cây trồng cạn, cây ngắn ngày để đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả. Qua rà soát, dự báo toàn tỉnh có trên 1.800 ha có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2019-2020. Đối với những vùng thiếu nước, Chi nhánh vận động nhân dân tập trung sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý bằng biện pháp lấy nước luân phiên; cung cấp các máy bơm di động cho Chi nhánh các huyện bơm nước từ nơi thấp đến nơi cao hơn.

 

Trước thực trạng thiếu nước sản xuất, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi cây trồng, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, sử dụng nguồn nước tưới hợp lý. Cánh đồng lúa rộng 12,2 ha của bản Giàn, xã Mường Bú (Mường La) do thường bị thiếu nước sản xuất vào mùa khô, nên từ năm 2018 đến nay, cả bản đã đồng loạt chuyển đổi sang trồng các cây ngắn ngày như ngô, đậu, bí, lạc, khoai... Nhanh tay thu hoạch bí, bà Đèo Thị Mai, cho biết: Gia đình tôi có 2.000 m² ruộng. Những năm trước trồng lúa, nhưng vất vả lắm, có khi phải canh mấy đêm mới lấy đủ nước vào ruộng để cấy lúa. 2 năm nay, tôi chuyển sang trồng cây ngắn ngày hiệu quả kinh tế cao hơn, như vụ bí này, mới trồng 2 tháng, tôi đã cắt được hơn 1 tạ quả, bán đổ cũng được 10.000 đồng/kg. Ngay mảnh ruộng bên cạnh, bà Quàng Thị Vui kể: Tôi nuôi gà, vịt nhiều nên chuyển hơn 3.000 m² đất trồng lúa sang trồng ngô chịu hạn tốt, không cần nhiều nước tưới.

 

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Đình Hướng, tiểu khu 3, xã Mường Bú trồng hơn 2 ha cây ăn quả. Để đảm bảo đủ nước tưới cho các loại cây ăn quả trong vườn, anh đầu tư đường ống dẫn và hệ thống tưới phun cho một phần diện tích. Đối với diện tích cây ăn quả như nhãn, xoài trên đồi, anh trồng xen cây chuối. Chuối sau khi thu hoạch có thể tận dụng thân và lá chuối để tạo ẩm, tăng thêm chất hữu cơ và tránh cỏ mọc. Bên cạnh đó, trồng xen chuối sẽ có tác dụng xốp đất, giữ nước cho các loại cây ăn quả khác.

 

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn trong mùa khô, chủ động chuyển đổi cây trồng trên những diện tích có khả năng thiếu nước, hy vọng các địa phương trong tỉnh sẽ khắc phục được tình trạng thiếu nước, đảm bảo sản xuất hiệu quả.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới