Chiềng Lao khống chế kịp thời dịch bệnh trên đàn cá

Khai thác lợi thế mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, nhân dân xã Chiềng Lao (Mường La) đẩy mạnh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản; toàn xã hiện có 274 lồng cá, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ nông dân. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nuôi trồng thủy sản; trong tháng 8 và 9, nhiều lồng cá của bà con xuất hiện dịch bệnh, với biểu hiện cá bị lồi 1 hoặc cả 2 bên mắt, mắt trắng đục, bơi lờ đờ, bơi quay tròn mất định hướng, chết hàng loạt; khi mổ cá bị bệnh thấy có hiện tượng tích khí ở ruột, ruột không chứa thức ăn, xuất huyết, gan tụ máu, xuất huyết dưới da bụng...

Nhân dân bản Nà Noong, xã Chiềng Lao chăm sóc cá lồng.

Ông Đoàn Quang Mạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin từ các trưởng bản, hộ dân nuôi cá ở bản Cun và Nà Noong về tình trạng cá nhiễm bệnh và bị chết, xã đã cử cán bộ khuyến nông, thú y xuống các bản kiểm tra, khoanh vùng dịch bệnh và nhanh chóng báo cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xuống giúp bà con xác định nguyên nhân để có phương pháp chữa trị bệnh cho đàn cá kịp thời, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại cho bà con và không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Qua phân tích mẫu bệnh phẩm, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xác định cá mắc bệnh liên cầu khuẩn. Để tránh bệnh lây lan, Trung tâm đã phối hợp với chính quyền xã, ban quản lý bản hướng dẫn nhân dân cách xử lý cá bị bệnh, không vứt xác cá xuống sông mà thu gom để tiêu hủy. Nguyên nhân gây bệnh trên đàn cá ban đầu được xác định, do đầu năm nắng nóng kéo dài, mực nước hồ thủy điện Sơn La xuống thấp, nước đục, nhiều bùn, bà con liên tục phải di chuyển lồng cá, đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và sức đề kháng của đàn cá; mùa mưa, nước hồ dâng nhanh làm nhiều cây cối hai bên bờ bị ngập và chết, thối rữa, gây ô nhiễm và phát sinh những vi khuẩn có hại.

Chúng tôi đến khu vực nuôi cá lồng của gia đình ông Vì Văn Toán, bản Nà Noong. Gia đình ông Toán có 7 lồng nuôi cá trắm và rô phi, đang vào thời điểm chuẩn bị thu hoạch thì đàn cá nhiễm bệnh. Sau khi phát hiện đàn cá bị nhiễm bệnh, ông đã chủ động rắc vôi khử trùng và vệ sinh lồng nuôi, tách riêng những con cá có biểu hiện nhiễm bệnh để tránh lây lan. Cách đó không xa, gia đình anh Lường Văn Hải cùng bản cũng có 5 lồng cá trắm, rô phi và đều nhiễm bệnh, chỉ hơn 10 ngày, gia đình anh đã thiệt hại gần 3 tạ cá rô phi. Anh Hải xót xa: Ban đầu cá chết rải rác, sau 2 ngày thì chết hàng loạt, tôi đã báo cho UBND xã về tình trạng của đàn cá; cán bộ xã hướng dẫn gia đình tôi thu gom cá chết đào hố chôn, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đến kiểm tra và hướng dẫn cách sử dụng thuốc sát khuẩn lồng bè, kết hợp với dùng kháng sinh hòa tan trộn vào thức ăn cho cá để điều trị. Gia đình tôi đang tiếp tục sử dụng vôi bột treo 4 góc lồng để phòng bệnh và tăng cường chăm sóc, bổ sung thêm vitamin C tăng sức đề kháng cho đàn cá.

Do chủ động triển khai các biện pháp phòng chống kịp thời, dịch bệnh trên đàn cá nuôi ở Chiềng Lao đã được khống chế, bảo đảm không lây lan ra diện rộng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho các hộ dân. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng đã khuyến cáo các hộ phát triển nuôi cá lồng trên địa bàn cần tiếp tục theo dõi sự phát triển của đàn cá; chú ý bảo đảm điều kiện về môi trường, thường xuyên vệ sinh lồng nuôi cá sạch sẽ, lựa chọn mua cá giống tại các cơ sở có uy tín, trước khi thả cá, dùng thuốc tím (KMnO4) hòa với nước và tắm cho cá để loại bỏ mầm bệnh. Đặc biệt, chủ động phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, thú y, bảo đảm không để dịch bệnh tái phát.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới