Thời gian gần đây, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại một số địa phương, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi và những nông hộ trực tiếp chăn nuôi, tác động tiêu cực tới các chỉ tiêu phát triển kinh tế. Mặc dù, bà con nông dân và các hộ chăn nuôi đang tập trung tái đàn, tăng đàn, nhưng do áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế, nhất là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh luôn tiềm ẩn.
Nông dân xã Cò Nòi (Mai Sơn) áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, toàn tỉnh hiện có gần 1,2 triệu con gia súc và trên 7 triệu con gia cầm. Tuy nhiên, chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện vẫn chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ, không tập trung. Theo thống kê, ngoài 421 trang trại, thì toàn tỉnh hiện có khoảng 200 nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong các khu dân cư, chuồng trại chưa được đầu tư khép kín, khiến công tác phòng chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Ngay đợt dịch tả lợn châu Phi cuối năm 2019, sau nhiều nỗ lực từ các phía, dịch bệnh này đã cơ bản được khống chế, thế nhưng từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, dịch tả lợn châu Phi lại xuất hiện và tái dịch ở 16 bản, tiểu khu, thuộc 11 xã, phường, thị trấn, làm 398 con lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy; thời điểm này vẫn còn 7 xã chưa qua 30 ngày hết dịch, gồm: Viêng Lán, Chiềng Pằn, Chiềng Sàng, thị trấn Yên Châu (Yên Châu); Chiềng Cọ (Thành phố); Mường Và (Sốp Cộp) và thị trấn Hát Lót (Mai Sơn). Một trong những địa phương mới tái phát dịch tả lợn châu Phi là bản Mường Vạt, xã Viêng Lán (Yên Châu). Ngày 15/5, gia đình ông Lừ Văn Phóng phát hiện lợn ốm chết; nhận được tin báo, cán bộ chuyên môn đã lấy mẫu đi xét nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương và cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau đó, 10 con lợn của 2 hộ dân cùng bản cũng bị lây nhiễm. Viêng Lán đã triển khai các biện pháp khoanh vùng dịch và tiến hành tiêu hủy 11 con lợn (tổng trọng lượng trên 350 kg). Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Viêng Lán, lo lắng: Toàn xã có trên 22.000 con gia súc, gia cầm, riêng lợn trên 500 con, nhưng không có trang trại hay gia trại mà chỉ là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Viêng Lán vừa công bố hết dịch tả lợn châu Phi được một thời gian, một số hộ dân ở đây đã bắt đầu tái đàn thì lại tái phát dịch bệnh. Chúng tôi đã hướng dẫn, tập huấn các biện pháp phòng dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi, song do tập quán chăn nuôi cũ, lại sử dụng con giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi của địa phương là rất khó tránh.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, thông tin thêm: Việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh rất khó khăn, không chỉ với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ mà ngay cả các trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Qua thống kê, rà soát, toàn tỉnh hiện mới chỉ có 9 khu vực chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ được cấp chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn với bệnh lở mồm long móng, 2 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn với bệnh LMLM, dịch tả lợn và 1 cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn với bệnh cúm gia cầm. Đối với dịch tả lợn châu Phi, nguyên nhân bùng phát dịch là do một số hộ chăn nuôi tái đàn, lợn con chủ yếu được mua từ các chợ, điểm buôn bán hoặc thương lái, không rõ nguồn gốc. Nguồn thức ăn cho vật nuôi không được kiểm soát; các ổ dịch chủ yếu tái phát, xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học. Bên cạnh đó, khi lợn có biểu hiện mắc bệnh, nghi mắc bệnh, người dân không báo để lấy mẫu xét nghiệm mà bán chạy, giết mổ để tiêu thụ; không xử lý chất thải, nước thải, mà xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh... dịch bệnh càng dễ lây lan.
Để hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh trên đàn vật nuôi, các cơ quan chuyên môn kháng cáo giải pháp ứng dụng nuôi an toàn sinh học là hữu hiệu nhất; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần nâng cao kiến thức về thực hành chăn nuôi tốt, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong chăn nuôi; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và doanh nghiệp cần chủ động liên kết sản xuất quy mô lớn, chăn nuôi có kiểm soát, có định hướng, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần ban hành chính sách hỗ trợ chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi tập trung, các chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!