Khi gọi đến, sau khi xưng danh, chủ thuê bao nói nhanh lý do. Có thể là sự quy chụp cho người nghe việc đã bị vi phạm pháp luật do vướng vào một vụ buôn lậu, ma túy, vi phạm luật giao thông… cần thông tin cá nhân và yêu cầu nộp tiền vào tài khoản để giải quyết.

Nhiều người dân khi nhận được những tin đó rất bất ngờ, tỏ ra sợ hãi, thậm chí sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình nên nhẹ dạ, cả tin chuyển tiền mà không tìm hiểu nguyên nhân. Điều đó, vô tình dẫn đến mất trắng số tiền lớn.

Có người nhận được cuộc gọi từ bưu cục báo có hàng chuyển phát và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, phí chuyển hàng để nhận hàng. Người nghe dễ dàng tin và nộp tiền vào tài khoản mà không hề hay biết đó là chiêu trò lừa qua mạng.

Ảnh minh họa: moit.gov.vn

Gần đây, nhiều người dân nhận được các cuộc gọi lạ hoặc nháy máy từ đầu số nước ngoài như +563; +255; +370; +381… Nếu nghe hoặc gọi lại đối tượng sẽ tấn công khách hàng để sao chép các thông tin như thẻ SIM, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng trên điện thoại.

Có trường hợp nhận được thông báo từ một hãng sản phẩm rằng may mắn trúng thưởng với phần quà giá trị, yêu cầu chuyển phí vào tài khoản để tổ chức chương trình trao thưởng.

Còn nữa, nếu người dân mua một sản phẩm nào đó qua mạng, một thời gian sau sẽ nhận được cuộc gọi mời chào mua một vật mang tính chất tâm linh đã được cúng tại một ngôi chùa nổi tiếng nào đó nên rất linh.

Nguy hiểm và tinh vi hơn, nhiều cuộc gọi từ messenger lấy hình đại diện của người thân, giả mạo gọi về từ nước ngoài, đề nghị người nhà gửi tiền sang gấp để giải quyết công việc.

Nhiều phụ huynh cao tuổi, nhìn thấy hình đại diện của con mà không hề nghi ngờ nên đã chuyển tiền luôn, dẫn đến mất trắng hàng trăm triệu đồng.

Từ những “chiêu trò” cuộc gọi để hòng chiếm đoạt tài sản, cảnh báo người dân cần tỉnh táo trước những thuê bao lạ gọi đến. Người dân cần cảnh giác trước đề nghị chuyển tiền và kiểm tra kỹ bản thân có tham gia, liên quan đến những vụ việc, những vấn đề được thuê bao gọi tới.

Người nhận cuộc gọi không gọi lại số thuê bao lạ nếu biết đó không phải là số của người thân. Không chuyển tiền vào tài khoản lạ nếu không biết rõ lý do. Đồng thời, không tin vào những thông tin mập mờ, chưa chính xác để tránh bị lợi dụng. Không vội mừng trước những phần thưởng “trên trời” không thuộc về mình.  

Cần báo cho cơ quan chức năng nếu nắm bắt được tín hiệu lừa đảo và những chiêu trò lừa có tính chất nghiêm trọng. Các địa phương cần tuyên truyền, cảnh báo cho người dân để tránh “mắc bẫy” những thủ đoạn chiếm đoạt tài sản tinh vi qua những cuộc gọi giả mạo và mạng xã hội.

Mức phạt nào cho kẻ lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Theo Luật sư Lê Lưu Phú, Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội): Việc xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác được xác định là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu hình phạt tương ứng với mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội.

Xử phạt vi phạm hành chính

Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng (điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị đinh 144/2021/NĐ-CP).

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Người nào sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp pháp luật quy định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017).

Luật sư Lê Lưu Phú, Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội). Ảnh: KC 

Hình phạt chính và hình phạt bổ sung được quy định ở tội này cụ thể như sau:

- Hình phạt chính

Khung 01: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm trong trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá từ 02 triệu đồng - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ...

Khung 02: Phạt tù từ 02 - 07 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Tài sản chiếm đoạt trị giá từ 50 - dưới 200 triệu đồng;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc danh nghĩa cơ quan, tổ chức;…

Khung 03: Phạt tù từ 07 - 15 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:

- Tài sản chiếm đoạt trị giá từ 200 - dưới 500 triệu đồng;

- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Khung 04: Phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân nếu:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Hình phạt bổ sung

Người thực hiện hành vi phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản./.