Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Sơn La xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên các lĩnh vực, như tài chính, ngân hàng, môi giới việc làm, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử... Đặc biệt, việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi và có chiều hướng gia tăng, gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
Các phúc lợi hấp dẫn của website like, share nhằm lôi kéo người dân tham gia.
Là một trong những nạn nhân vừa bị lừa mất 2,7 triệu đồng, chị Phan Ngọc Ánh, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La không khỏi bức xúc. Chị Ánh kể: Giữa tháng 11/2020, được một người quen giới thiệu website có tên like share, với cam đoan là chắc chắn kiếm được tiền thông qua việc nhấn like các video trên ứng dụng Tiktok (trang mạng xã hội). Để bảo đảm cho lời nói của mình, đối tượng đã đưa ra bảng thành tích với số tiền đã kiếm được vài chục triệu đồng và danh sách những người đã tham gia chơi, trong đó có cả người thân, quen của họ. Với mong muốn có thêm thu nhập, tôi đã tham gia thành viên và mở tài khoản trên website, rồi lên tiktok, nhấn chia sẻ và thích hoặc biểu cảm cho bất kỳ một video nào rồi chụp ảnh màn hình gửi cho website này.
Chị Ánh ngậm ngùi: Sau bước đầu mồi chài thành công, đối tượng tiếp tục dẫn dụ nạn nhân mua gói nhiệm vụ được đặt tên, gồm: Đồng, Bạc, Vàng, Bạch kim và Kim cương, tương đương với các mức giá từ 960 ngàn đồng đến 27 triệu đồng. Gói có mức giá càng lớn thì được làm càng nhiều nhiệm vụ trong một ngày. Khi hoàn thành các gói nhiệm vụ, thành viên có thể có thu nhập lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng, hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng mỗi năm. Sau tuần đầu chơi, tôi rút được 200 nghìn đồng, thấy tiền về tài khoản thật nên tôi tiếp tục nâng gói của mình lên cấp Vàng với 2,7 triệu đồng. Tuy nhiên 2 ngày sau (ngày 15/11/2020), website bất ngờ dừng hoạt động; lệnh rút tiền luôn trong trạng thái chờ thanh toán. Đến nay, không lấy lại được tiền, tôi mới biết đã bị lừa.
Đáng chú ý, hệ thống của trang like share còn có cách thức mở rộng thành viên kiểu đa cấp. Thành viên cũ mời thêm được người mới sẽ được hưởng “hoa hồng” ứng với số tiền mà người mới mua gói nhiệm vụ. Lúc người mới đăng ký mua gói nhiệm vụ, sẽ nhập mã số giới thiệu vào người cũ được hưởng phần trăm theo từng cấp F1, F2, F3. Sau like share, còn có nhiều các trang mạng khác có hình thức hoạt động tương tự, không rõ ràng về nguồn gốc và chưa được kiểm duyệt, như: jobonline.top, pchome-global.com, funsharing.vip, golike8.com... tiếp tục được mở ra nhằm mục đích lừa thêm nhiều người khác.
Không chỉ chị Ánh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều người bị mất tiền từ các website này, chủ yếu là sinh viên, phụ nữ ở nhà chăm con nhỏ... Do mỗi lần chuyển khoản nạp tiền lại có một địa chỉ khác nhau, website cũng không ghi rõ tên tổ chức, công ty hay cá nhân nào đứng sau để giải quyết vụ việc, nên các nạn nhân đã làm đơn trình báo lên cơ quan công an tố cáo sự việc.
Bên cạnh đó, lợi dụng sự cả tin, chủ quan của người tiêu dùng, nhiều đối tượng đã giả bán hàng trên mạng, khi có người đặt hàng thì yêu cầu nạp thẻ cào để làm phí vận chuyển, phí đảm bảo, nhưng sau đó khóa tài khoản, không giao hàng và chiếm đoạt tiền. Điển hình như vụ án của đối tượng Triệu Lê Giang (sinh năm 1998), trú tại xã Quang Huy, huyện Phù Yên. Trong quá trình sử dụng mạng xã hội facebook, Giang vô tình biết được Nguyễn Phương Thảo (sinh năm 1992), trú tại tổ 7, phường Giang Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội có nhu cầu mua khẩu trang với số lượng lớn. Do đó, Giang đã sử dụng tài khoản facebook của mình để kết bạn và liên lạc với Thảo. Giang tạo một đơn hàng bán 30 hộp khẩu trang loại 4 lớp với tổng số tiền 1,5 triệu đồng có tên, địa chỉ người nhận của Thảo trên APP Viettel Post trong điện thoại của mình, chụp ảnh màn hình gửi cho Thảo. Ngay sau đó, Thảo chuyển tiền vào tài khoản do Giang cung cấp. Nhận được tiền, Giang sử dụng chi tiêu cá nhân, không gửi khẩu trang, đồng thời cắt liên lạc với Thảo. Vụ việc sau đó đã được cơ quan công an phát hiện và xử lý.
Để phòng ngừa và đấu tranh, trấn áp loại tội phạm này, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, xử lý nghiêm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, không để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, thông báo thủ đoạn gây án và thông tin về lai lịch của các đối tượng phạm tội đến các đơn vị công an trên toàn quốc để thông tin cho nhân dân trình báo nếu bị hại hoặc biết để chủ động phòng ngừa.
Bà Lê Thị Thùy Hương, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế và tham nhũng, chức vụ (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh), cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh tổ chức xét xử, rút kinh nghiệm, công bố chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa, kết hợp tuyên truyền pháp luật. Những phiên tòa này đã tác động đến nhận thức của nhân dân tham dự, qua đó có thêm hiểu biết về hành vi, thủ đoạn của các đối tượng. Thời gian tới, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các phòng ban nghiệp vụ, Viện kiểm sát cấp huyện đưa ra xét xử lưu động một số vụ án lừa đảo trên không gian mạng để kết hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Để tránh trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo trên không gian mạng, người dân cần thận trọng khi cho vay, mượn tiền hoặc trao đổi mua bán; các giao dịch vay, mượn, mua bán cần xác lập hợp đồng, giấy tờ cụ thể và nên có sự thỏa thuận về tài sản bảo đảm. Khi sử dụng mạng xã hội, cần nắm bắt cách thức hoạt động, vận hành của các ứng dụng; tìm hiểu rõ thông tin về tài khoản mà mình đang tương tác; lựa chọn cách thức thanh toán an toàn, tuyệt đối không trao đổi, cung cấp thông tin bí mật của tài khoản...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!