Cảnh giác lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua các cuộc gọi giả danh

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn thành phố Sơn La diễn biến phức tạp. Đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để chiếm tài sản của người dân. Một trong những chiêu trò của kẻ xấu là những cuộc gọi tự xưng là nhân viên ngân hàng, nhân viên chăm sóc khách hàng của các mạng viễn thông, hỗ trợ khách hàng xử lý sự cố hay nâng cấp dịch vụ sim. Để tạo lòng tin, chúng đưa ra những thông tin của nạn nhân như: Họ và tên, số CMND hoặc CCCD, với những chiêu trò để chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng.

 

Nhân viên Mobifone Sơn La hướng dẫn, tư vấn khách hàng chuyển đổi sim 4G.

 

Là nạn nhân bị thiệt hại 65 triệu đồng từ chiêu thức này, chị Đ.H.T, chủ cửa hàng quần áo thời trang ở tổ 8, phường Tô Hiệu, kể: Khoảng 8 giờ 30 phút ngày 10/11, tôi chuyển nhầm 2 triệu đồng cho khách hàng. Đang băn khoăn làm sao lấy lại được số tiền trên thì có số điện thoại +842439069111, tự nhận là nhân viên ngân hàng hỗ trợ khách hàng xử lý sự cố, giúp tôi lấy lại số tiền đã chuyển nhầm trước đó. Trùng với việc đang cần, nên tôi đã làm theo chỉ dẫn, như: Truy cập vào đường link, sau đó hiện ra website của ngân hàng, tôi nhập thông tin số tài khoản và mật khẩu. Sau khi đăng nhập, có mã OTP gửi về số điện thoại, họ yêu cầu tôi cung cấp, sau 3 lần đọc mã OTP (mã số bảo mật), tài khoản ngân hàng của tôi lập tức bị trừ 65 triệu đồng. Cuộc gọi chỉ diễn ra vài phút, nên tôi không cảnh giác. Mất số tiền lớn, tôi đến ngân hàng và cơ quan công an trình báo, nhưng khả năng lấy lại số tiền đó là không có.

Còn chị L.T.T.H, tổ 8, phường Tô Hiệu kể: Tôi nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 02899991115, tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của mạng viễn thông Mobifone nói số điện thoại của tôi cần nâng cấp từ sim 3G lên sim 4G, yêu cầu cung cấp mã OTP để nâng cấp sim. Khi gọi đến, họ có đưa ra 1 số thông tin chính xác về tên, số CMND của tôi, nên tôi đã tin đúng là nhân viên CSKH Mobifone. Họ yêu cầu tôi cung cấp mã OTP để tiến hành chuyển đổi sim. Sau khi tôi cung cấp mã OTP cho đối tượng, sau 2 phút, bên tổng đài mạng viễn thông Mobifone gọi cho tôi và thông báo là đang thực hiện yêu cầu đổi sim. Không nghi ngờ, tôi tiếp tục đợi. Gần 10 phút sau, tôi bắt wifi để truy cập mạng internet thì tin nhắn từ App của ngân hàng báo số tiền trong tài khoản bị trừ 18 triệu đồng.Tương tự chiêu trò như vậy, chị H.T.T ở tổ 3, phường Tô Hiệu cũng bị lừa chiếm đoạt quyền kiểm soát sim điện thoại, đánh cắp 5 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng (tài khoản ngân hàng liên kết với sim điện thoại).

Trước thông tin về tình trạng mạo danh nhân viên các nhà mạng gọi điện, nhắn tin đổi sim 4G để chiếm đoạt thông tin người dùng, ông Sa Anh Tuấn, Phó Giám đốc Mobifone Sơn La, thông tin: Đổi sim 4G là chiến dịch cần thiết của các nhà mạng, nhằm hỗ trợ khách hàng truy cập vào mạng Internet 4G tốc độ cao, phục vụ tốt hơn nhu cầu sử dụng internet di động của khách hàng trong cuộc sống hàng ngày. Mobifone đã quán triệt đến toàn bộ nhân viên chỉ thực hiện thay sim trực tiếp qua hai hình thức: Khách hàng đến các điểm giao dịch của Mobifone hoặc nhân viên Mobifone đến giao sim 4G trực tiếp tại nhà khách hàng. Chúng tôi không cung cấp hình thức đổi sim 4G qua cuộc gọi và tin nhắn điện thoại. Vì vậy, khách hàng cần thận trọng trước những cuộc gọi, tin nhắn rác, chỉ thực hiện chuyển đổi sim 4G tại các điểm giao dịch chính thức của nhà mạng; tăng cường bảo mật nhiều lớp cho điện thoại khi cài các ứng dụng thanh toán trực tuyến; sử dụng các ứng dụng xác thực và khóa thẻ sim ngay khi phát hiện bị vô hiệu hóa.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Ngân hàng BIDV Sơn La, cho biết: Thời gian qua, Ngân hàng đã tiếp nhận phản ánh của khách hàng nhận được tin nhắn giả mạo, nhất là thông tin về nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp gắn kèm đường link lạ và một số trường hợp khách hàng bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng. Thông thường, một tài khoản ngân hàng điện tử được bảo mật hai lớp, một là mật khẩu, hai là mã OTP, do đó khách hàng cần cảnh giác và tránh để lộ các thông tin này nhằm tránh để các đối tượng xấu lợi dụng kiểm soát và chiếm được tài khoản.

Đối tượng lừa đảo thường tạo ra các website có tên miền gần giống với tên website của các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín để gây nhầm lẫn. Do vậy, khi nhận được tin nhắn hay thư điện tử có chứa đường dẫn lạ, khách hàng không nên truy cập hoặc nhấp vào đường dẫn đó. Đối với BIDV, người dùng Internet banking chỉ đăng nhập vào một địa chỉ duy nhất có tên miền là “https://smartbanking.bidv.com.vn”, các địa chỉ khác đều là giả mạo. Trường hợp nhận được các thông tin giả mạo ngân hàng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng liên hệ ngay tới tổng đài chăm sóc khách hàng 24/7: 1900 9247 hoặc các Chi nhánh BIDV để được trợ giúp.

Thượng tá Đặng Văn Hiệp, Phó Trưởng Công an Thành phố, thông tin: Thời gian qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố đã tiếp nhận xử lý đơn trình báo, tố giác của 5 công dân về việc bị kẻ gian gọi điện thoại giả danh để chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng sử dụng đầu số điện thoại vệ tinh; sim số, tài khoản ngân hàng nhận tiền không đăng ký chính chủ. Sau khi chiếm được tài sản trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân thành công, chúng không rút tiền trực tiếp mà tiếp tục chuyển khoản giao dịch điện tử ngay để xóa dấu vết người thụ hưởng cuối. Do đó, chúng tôi gặp khó khăn trong công tác điều tra, xác minh, xác định đối tượng gây án.  Để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Thành phố đã tuyên truyền, cảnh báo đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm; thông báo, kiến nghị với các chi nhánh ngân hàng phối hợp ngăn chặn nếu phát hiện thấy các giao dịch bất thường. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã phối hợp với Ngân hàng Agribank Chi nhánh thành phố Sơn La ngăn chặn thành công 2 vụ lừa đảo công nghệ cao, với số tiền là 300 triệu đồng.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân thường sử dụng mạng xã hội, thanh toán trực tuyến thông qua các ví điện tử, internet banking. Trong khi đó, các đối tượng phạm tội lừa đảo bằng công nghệ cao đang có xu hướng gia tăng hoạt động với thủ đoạn tinh vi và đa dạng. Vì vậy, người dân cần cảnh giác phòng ngừa tội phạm trong quá trình sử dụng mạng xã hội và các thiết bị công nghệ.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới