Hiện nay, lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên đã đạt đỉnh và đang xuống, riêng hạ lưu sông Ba (Phú Yên) dao động theo điều tiết của hồ chứa. Dự báo: Trong 12 giờ tới, lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên tiếp tục xuống; riêng hạ lưu sông Ba tiếp tục dao động theo điều tiết hồ chứa.
Mực nước trên các sông có khả năng như sau: sông Trà Khúc tại Trà Khúc xuống mức 3,5m, ở mức báo động 1; sông Vệ tại trạm Sông Vệ xuống mức 2,5m, ở mức báo động 1; sông Kôn tại Thạnh Hòa xuống mức 7,6m, dưới báo động 3: 0,4m; sông Ba tại Phú Lâm ở mức 2,5m, dưới báo động 2: 0,2m; sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng xuống mức 7,5m, ở mức báo động 1.
Cảnh báo: Nguy cơ xảy ra sạt lở đất vùng núi, ngập úng vùng trũng thấp tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, tại các huyện: An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, Phù Mỹ (Bình Định); Tây Hòa, Đồng Xuân, sông Cầu, sông Hinh, Đông Hòa, Tuy An (Phú Yên).
Về tình hình ngập lụt và thiệt hại, theo báo cáo của các tỉnh Bình Định, Phú Yên, tình hình thiệt hại do mưa lũ tính đến 16h00 ngày 4/12 như sau: Về người: 1 người chết tại Phú Yên (đã tìm thấy thi thể). Về nhà: 4 nhà sập đổ tại Bình Định. Nhà bị ngập nước: 28.828 nhà (tăng 17.948 nhà so với báo cáo nhanh ngày 03/12), trong đó: Phú Yên: 1.931 hộ bị ngập 0,5-1,5m tại 23 thôn ở 9/11 xã, thị trấn huyện Đồng Xuân. Đến 6h 5/12, mức ngập đã giảm đáng kể, người dân đã trở về nhà dọn lũ; Bình Định: 26.897 hộ dân bị ngập. Đến 7h ngày 5/12, nước đã rút, số nhà ngập đã giảm nhiều, tỉnh đang tiếp tục cập nhật thông tin.
Về nông nghiệp, thủy sản: diện tích lúa bị ngập: 710 ha lúa Đông Xuân đang sạ tại Bình Định. Diện tích rau màu bị ngập: 710 ha tại Phù Mỹ, Bình Định. Sa bồi thủy phá: 119ha tại Phù Mỹ, Bình Định. 1 thuyền bị chìm, ký hiệu PY80077TS, neo đậu tại Bãi Dài (An Ninh Tây, huyện Tuy An).
Về sự cố hồ chứa, theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, tình hình sự cố hồ Hóc Sấu như sau: hố sạt đuôi tràn ngày 04/12 dài 10m, rộng từ 7-9m, sâu 8m; cách tuyến đập 85m. Hiện địa phương đang triển khai gia cố bằng đá hộc và bao tải cát và sẽ có các biện pháp gia cố sau khi lũ rút.
Để ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục đôn đốc các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc Thông báo số 567/ TWPCTT-VP ngày 02/12/2017, Công điện số 92/CĐ-TW ngày 03/12/2017; tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến không khí lạnh tăng cường và gió mạnh trên biển, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất khu vực Trung bộ, thông tin tới các địa phương để chủ động triển khai phương án ứng phó.
Bộ Công an đã có công điện chỉ đạo các sở, ngành trực thuộc triển khai ứng phó với tình hình mưa lũ tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tổng cục Thủy lợi tổ chức đoàn công tác đi Bình Định để hỗ trợ địa phương chỉ đạo khắc phục sạt đuôi tràn Hóc Sấu.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh khu vực Trung bộ và Tây Nguyên tập trung theo dõi diễn biến mưa, lũ để kịp thời cảnh báo và có giải pháp ứng phó. Huy động lực lượng sơ tán nhân dân tại chỗ. Xử lý sự cố giờ đầu với các tuyến đê bị tràn, sạt lở; tổ chức trực canh tại các hồ chứa nước xung yếu có nguy cơ mất an toàn để ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố. Cắm biển cảnh báo cấm các phương tiện qua lại khu vực ngầm tràn, ngập lụt, nguy hiểm để đảm bảo an toàn về người và tài sản./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!