Trong thời điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang xảy ra và diễn biến phức tạp, cùng với thực hiện các biện pháp kiểm soát và khống chế dịch bệnh, người chăn nuôi cần thận trọng, chắc chắn trong việc tái đàn để bảo đảm hiệu quả bền vững, tránh thiệt hại trong chăn nuôi.
Gia đình chị Bùi Thị Hà, tổ 5, phường Chiềng Sinh (Thành phố)
chuyển một phần diện tích chuồng nuôi lợn sang nuôi vịt.
Trên địa bàn Thành phố, từ ngày 21/5 đến nay đã xuất hiện 21 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 21 tổ, bản thuộc 4 phường: Chiềng Cơi, Chiềng Lề, Chiềng An, Chiềng Sinh và 5 xã: Chiềng Ngần, Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Hua La, Chiềng Xôm. Hiện nay, mới có 3/9 xã, phường, gồm Chiềng Sinh, phường Chiềng An và xã Chiềng Ngần đã qua 30 ngày không có phát sinh thêm ổ dịch mới. Để kiểm soát các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch bệnh mới, thời gian qua, UBND thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tại 117 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và kiểm soát việc vận chuyển buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm từ lợn trên địa bàn. Đồng thời, cấp 1.492 lít hóa chất, 4.800 kg vôi bột cho các xã, phường; chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh các hộ chăn nuôi tại vùng dịch trên địa bàn.
Tính đến thời điểm này, số lợn bị chết và tiêu hủy do mắc dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Thành phố là hơn 536 con với tổng trọng lượng gần 32.436 kg. Người chăn nuôi hiện nay đang đứng trước nỗi lo về tái đàn, khôi phục sản xuất. Gia đình chị Bùi Thị Hà, tổ 5, phường Chiềng Sinh (Thành phố) bị thiệt hại 210 con lợn với trọng lượng hơn 8.554 kg, đến nay phần lớn chuồng trại của gia đình vẫn trống không. Chị Hà bùi ngùi: Sau khi tiêu hủy đàn lợn bị nhiễm bệnh, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ trên 300 triệu đồng, nhưng hiện nay, gia đình tôi vẫn nợ ngân hàng hơn 1 tỷ đồng. Gia đình đã tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại và sau đó chuyển một phần diện tích sang chăn nuôi vịt, với số lượng hơn 2.000 con để xoay vòng trả lãi ngân hàng. Tôi đang rất muốn tái đàn lợn, nhưng còn do dự, không biết ở thời điểm nào mới nên tiếp tục tái đàn lợn. Bởi, đầu tư chăn nuôi lớn, nếu không kiểm soát được mầm bệnh từ con giống, từ khu vực chuồng trại trước đó đã có dịch, rất sợ tái dịch trở lại.
Cũng giống gia đình chị Hà, tháng 6/2019, gia đình anh Lò Văn Chom, xã Chiềng Ngần (Thành phố) có 6 con lợn bị chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhận thấy sau hơn 3 tháng trên địa bàn xã không xuất hiện thêm hộ nào có lợn mắc dịch, gia đình anh đã chủ động cải tạo, phun tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi. Anh Chom cho biết: Giá thịt lợn hiện giờ đang cao, là người chăn nuôi, tôi cũng mong tái đàn sớm, nhưng để tái đàn thành công, cần phải khử trùng chuồng trại đúng quy trình, không để dịch bệnh quay trở lại, đồng thời, lựa chọn mua được lợn giống ở những địa chỉ uy tín, tin cậy. Nhưng dịch bệnh vẫn đang xảy ra trên cả nước, khó có được nguồn giống đảm bảo, nên trước mắt tôi sẽ chuyển hướng nuôi gà.
Trước tình hình giá lợn tăng cao, mong muốn tái đàn lợn là tâm lý chung của nhiều người chăn nuôi. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, trong bối cảnh dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp, mầm bệnh vẫn còn lưu hành, nguy cơ tái phát ổ dịch mới vẫn có thể xảy ra thì người chăn nuôi cần hết sức cẩn trọng khi tái đàn. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố cho biết: Trên địa bàn Thành phố hiện nay vẫn còn 6 xã, phường có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các hộ chăn nuôi không nên vội vàng tái đàn, tăng đàn lợn vào lúc này vì không có nguồn giống an toàn, chưa đảm bảo về chăn nuôi an toàn sinh học hay việc vận chuyển thực phẩm, thức ăn gia súc giữa các vùng với nhau cũng rất dễ làm cho dịch bệnh lây lan trở lại. Điển hình, đầu tháng 9 vừa qua tại bản Hôm, xã Chiềng Cọ, người dân mua 9 con lợn giống về để tái đàn, số lợn này ngay sau đó đã bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi chết. Vì vậy, người dân có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm hoặc các loại gia súc khác để tránh thiệt hại về kinh tế. Còn nếu người dân quyết định chăn nuôi lợn trở lại, cần lưu ý chỉ sử dụng con giống đảm bảo an toàn tại địa phương và ở ngoài vùng dịch; thực hiện nghiêm khâu quản lý việc vận chuyển lợn giống, yêu cầu phải có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, nơi đến phải có địa chỉ rõ ràng, cụ thể theo quy định của Bộ Nông nghiệp & PTNT.
Hiện nay, để phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi không bùng phát trở lại, góp phần giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho nông dân, UBND thành phố tiếp tục duy trì đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn trái phép bên ngoài vào địa bàn; tiếp tục phun tiêu độc khử trùng tại vùng dịch và các vùng lận cận. Tuyên truyền các biện pháp chăn nuôi an toàn, thực hiện tốt nguyên tắc 5 không: không giấu dịch, không mua bán và chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để nuôi. Người chăn nuôi cần chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn nếu muốn tái đàn vật nuôi; thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo chăn nuôi phát triển ổn định, tránh những thiệt hại do chủ quan, nóng vội.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!