Xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn có tổng diện tích ngô là 1.700 ha, với sản lượng bình quân hằng năm đạt 8.500 tấn. Diện tích đất trồng ngô phần lớn nằm ở những ngọn núi cheo leo nên khâu vận chuyển ngô sau thu hoạch tốn rất nhiều công sức.
Những bao ngô sẽ được thả theo dây cáp treo xuống núi.
Xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn có tổng diện tích ngô là 1.700 ha, với sản lượng bình quân hằng năm đạt 8.500 tấn. Diện tích đất trồng ngô phần lớn nằm ở những ngọn núi cheo leo nên khâu vận chuyển ngô sau thu hoạch tốn rất nhiều công sức. Do vậy, một số người dân ở xã đã tự thiết kế dây cáp treo để vận chuyển ngô từ nương về nhà, giảm bớt được công sức trong việc vận chuyển ngô, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng người dân.
Ông Lò Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Chăn, cho biết: Xã có địa hình hiểm trở, núi cao, bà con chủ yếu trồng ngô trên đất dốc, nhất là ở các bản ven sông Đà như: Tà Chan, Chiềng, Sy và bản Kiếng... những năm trước, bà con chủ yếu dùng sức trâu, bò kéo từ trên núi cao xuống. Vài năm trở lại đây, bà con tự dùng dây cáp treo để vận chuyển ngô, lợi ích là không mất nhiều nhân công, giảm thời gian vận chuyển. Song, trong quá trình vận hành tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dùng, như dây sử dụng lâu có thể đứt văng vào người, hoặc thiếu quan sát, bao ngô có thể va đập vào người gây chấn thương, thậm chí là tử vong.
Từ trung tâm xã chúng tôi mất hơn 2 giờ đồng hồ vượt qua quãng 13 km với những con dốc ghồ ghề đất, đá lởm chởm để đến bản Tà Chan, bản di vén tái định cư Thủy điện Hòa Bình. Biết chúng tôi đến tìm hiểu về việc vận chuyển ngô của bà con, anh Hoàng Văn Thi, Bí thư Chi bộ bản Tà Chan đưa chúng tôi đến các nương ngô để quan sát. Vừa đi anh vừa thông tin: Cả bản có khoảng 200 ha trồng ngô, mỗi năm sản lượng ước đạt 1.000 tấn ngô bắp, 100% các hộ ở trong bản đều dùng dây cáp để vận chuyển ngô sau thu hoạch.
Trên đường đi, chúng tôi nhìn thấy vô số dây cáp treo chằng chịt từ trên đỉnh núi cao dẫn xuống chân núi, những bao ngô được bà con thả lao vun vút qua đầu, tôi luôn có cảm giác không an toàn khi tiếp cận để chụp ảnh. Anh Hoàng Văn Thịnh, vừa gỡ bao ngô từ dây cáp xếp gọn thành từng đống, vừa nói: Nhà tôi có 2 ha ngô, năm nay ước thu hơn 13 tấn ngô bắp. Những năm trước, gia đình tôi vận chuyển ngô chủ yếu bằng sức trâu, bò kéo, song do đất dốc, khó đi, mỗi ngày chỉ vận chuyển được khoảng 15 bao. Từ năm 2010, dùng dây cáp mỗi ngày vận chuyển được 150 bao ngô bắp, tiện và nhanh lắm. Dây cáp lụa này dài 500 m, trị giá 2 triệu đồng, nếu bảo quản tốt, có thể dùng được 4-5 năm.
Theo quan sát của chúng tôi, việc bà con căng dây cáp để vận chuyển ngô khá đơn giản. Trên đỉnh núi, nơi bao ngô được thả xuống, người dân chôn ngang một khúc gỗ dài 1m xuống đất sâu khoảng 40 cm, sau đó buộc dây cáp và tời căng. Còn phía dưới, nơi đỡ bao ngô, chỉ cần 4 cọc gỗ dài 1m chôn xuống đất 50cm, trong đó 2 cọc có đường kính chừng 15 cm để làm trụ tời, 2 cọc nhỏ hơn để chắn bao ngô dừng lại, để tránh bao ngô lao từ dốc cao xuống bị vỡ, người dân đã lót thêm bao đệm vào trước 2 cọc gỗ nhỏ.
Rời khỏi những nương ngô, Bí thư chi bộ bản Tà Chan đưa chúng tôi đến nhà anh Vì Văn Hà, anh kể lại: Cách đây 2 năm, gia đình tôi vận chuyển ngô bằng dây cáp, tôi ở trên núi thả bao ngô theo dây cáp xuống, còn vợ ở dưới đón, do vận tốc của bao ngô chạy nhanh và thiếu quan sát, trong lúc đang gỡ bao ngô ra, thì vợ tôi đã bị bao ngô sau lao xuống hất ngược vào người, vợ tôi bị ngã, ngất tại chỗ, may còn giữ được tính mạng. Từ tai nạn đó, tôi rút kinh nghiệm là trước khi thả bao ngô xuống phải quan sát kỹ và gọi điện thoại để người bên dưới biết mà tránh.
Việc vận chuyển ngô bằng dây cáp trên địa bàn xã Chiềng Chăn, đã giảm được một phần chi phí trong thu hoạch ngô cho người dân, song tiềm ẩn những rủi ro khó lường. Về lâu dài, các cấp chính quyền cần có giải pháp làm đường giao thông giúp nhân dân vận chuyển ngô thuận lợi, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!