Cần bảo vệ loài vượn đen má trắng ở Pú Tậu

Mấy chục năm về trước, những khu rừng già ở bản Pú Tậu, xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn từng là nơi sinh sống của đàn vượn đen má trắng. Song, do nạn săn bắn bừa bãi, đốt phá rừng làm nương trái phép, nên đàn vượn đông đúc ngày nào giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, chúng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

 

 

Khu rừng nơi đàn vượn đen má trắng ở Pú Tậu trú ngụ.

 

Đến Pú Tậu, nếu đi tắt chỉ khoảng 15 km từ quốc lộ 4G thuộc địa phận xã Chiềng Mai, nhưng đường đất đá gồ ghề, nhiều đoạn dốc đứng, rất khó đi. Pú Tậu có 50 hộ đồng bào Mông cư trú rải rác khắp các sườn núi, đứng ở khu dân cư có thể quan sát rõ khu rừng ở phía đối diện, là nơi cư trú cuối cùng của rất ít cá thể đàn vượn đen má trắng. Được sự đồng ý của Ban quản lý bản, từ sáng sớm, chúng tôi đã tiếp cận khu rừng để quan sát đàn vượn. Anh Sùng A Chỏ, Bí thư chi bộ bản nói: “Đàn vượn có khả năng dự báo thời tiết đấy. Hôm nào trời nắng thì đúng 6 giờ sáng chúng sẽ hót. Hôm nào mưa thì 9h mới hót”. Sau hơn một giờ lặng yên quan sát, bỗng anh Chỏ bỗng chỉ tay về phía cây cổ thụ cao nhất trong rừng, nói nhỏ: “Chúng đang chuyền cành kìa”. Cũng đúng lúc đó, đàn vượn cất tiếng hót vang đánh thức cả khu rừng. Do vị trí còn khá xa, không thể chụp ảnh được, chúng tôi liền tìm cách đến gần đàn vượn hơn. Sau 3 tiếng bám theo đàn vượn, chúng tôi cũng chỉ có thể nghe chúng hót thêm một lần nữa, mà không chụp được bức ảnh nào, bởi chúng đã di chuyển mất dạng dưới tán cây rừng. Anh Chỏ bảo: “Năm 2016, con đầu đàn đã bị dân bản khác bắn chết, vì thế bây giờ đàn vượn tinh khôn lắm, chúng luôn cảnh giác môi trường xung quanh, rất hiếm khi nhìn thấy chúng. Có tiếng động lạ hoặc ngửi thấy hơi người là chúng chạy ngay. Cuối tháng 4 vừa rồi, tôi nhìn thấy chúng về cây đa chỗ khe suối gần lán nương, đếm được 9 con tất cả. Trong số này, chỉ một con có lông màu vàng, đấy là con cái, còn lại những con khác đều có bộ lông màu đen và má màu trắng, sải tay dài, mỗi con nặng khoảng chục cân trở lại. Loài vượn này mỗi năm chỉ đẻ một lứa nên sinh sôi chậm lắm!”.

 

Theo những người già trong bản, đàn vượn đã sinh sống ở đây từ rất lâu, không nhớ được từ năm nào nữa. Trước đây, đàn vượn đông tới cả trăm con, chúng chỉ ăn lá cây và quả rừng, không phá hại mùa màng nên người dân trong bản coi chúng như con vật linh thiêng, chẳng ai săn bắn chúng cả. Nhiều năm trở lại đây, một số người dân ở địa phương khác đến săn bắn, chặt phá rừng làm nương ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của chúng, sinh cảnh sống bị chia cắt thành các khu biệt lập, làm mất khả năng giao tiếp đàn... Theo quan sát, khu rừng có đàn vượn đang sinh sống chỉ rộng khoảng 100 ha, xung quanh đều là đồi núi trọc và nương rẫy của người dân. Do chỉ di chuyển trên những tán cây, chúng không thể di cư sang những khu rừng khác được. Hiện nay, khu rừng đang được người dân Pú Tậu bảo vệ nghiêm ngặt. Dù vậy, đàn vượn vẫn luôn đối mặt nguy hiểm bởi một số người dân địa phương khác vẫn tìm cách săn bắn chúng. Trong khi nguồn thức ăn ngày càng khan hiếm khiến đàn vượn đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Nói về nguyện vọng của người dân, Trưởng bản Sùng A Danh, cho biết: “Người dân trong bản ai cũng mong muốn đàn vượn sinh sôi, phát triển hơn. Không chỉ vượn, trong khu rừng này còn một số cá thể hoẵng, khỉ và lợn rừng. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm can thiệp để bảo vệ đàn vượn; đồng thời, có chính sách hỗ trợ kinh phí cho tổ bảo vệ rừng của bản để tăng thời gian tuần tra, kiểm tra rừng với mục đích bảo vệ đàn vượn tốt hơn. Bản đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền, cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được đáp ứng”.

 

Vượn đen má trắng là một trong những loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Để bảo tồn loài động vật quý hiếm này, rất mong các cấp chính quyền, ngành chức năng sớm vào cuộc, làm tốt công tác tuyên truyền; sớm xác định loài và có biện pháp bảo vệ hiệu quả.

Vượn đen má trắng (tên khoa học là Nomascus leucogenys) là loài vượn bản địa của Việt Nam, cư trú tại các địa phương: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An và một số quốc gia lân cận. Loài này có quan hệ họ hàng gần gũi với loài Nomascus siki (động vật có vú trong bộ linh trưởng). Các con cái của hai loài này hầu như không phân biệt với nhau.

 

Một quần thể 455 con vượn đen má trắng gồm nhiều đàn nhỏ đã được phát hiện năm 2011 tại Vườn quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An, gần biên giới với nước CHDCND Lào. Quần thể này nằm cách xa khu dân cư và chiếm 2/3 số lượng vượn đen má trắng tại Việt Nam. Tính đến năm 2011, số lượng vượn má trắng đã giảm hơn 80% trong 45 năm.

 

Vượn đen má trắng được xếp vào nhóm I trong danh mục động vật rừng nguy cấp, nhóm nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và nhóm cực kỳ nguy cấp trong Danh lục Đỏ của IUCN (Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên).

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới