Cải thiện vị thế phụ nữ và trẻ em gái thông qua dịch vụ, sản phẩm chất lượng cao

Với mục tiêu góp phần cải thiện vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái, giúp họ nhận thức được tiềm năng kinh tế của bản thân thông qua sử dụng các dịch vụ và sản phẩm sức khỏe chất lượng cao, mức phí phù hợp ngay tại cộng đồng, Sở Y tế đã phối hợp với tổ chức Marie Stopes international tại Việt Nam (MSV) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Trao quyền và nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ thông qua cải thiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ, sản phẩm sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại tỉnh Sơn La” (MS Ladies). Dự án do Sở Y tế làm chủ đầu tư, thực hiện trong 4 năm (6/2018 - 6/2022).

Sở Y tế phối hợp với tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam (MSV) tổ chức lớp tập huấn áp dụng công nghệ trong quản lý số liệu y tế.

Dự án “Trao quyền và nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ thông qua cải thiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ, sản phẩm sức khỏe sinh sản, KHHGĐ” được xây dựng dựa trên mô hình người cung ứng sản phẩm và dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (SKSS, KHHGĐ)  tại cộng đồng (gọi tắt là MS Ladies) hiện đang được triển khai ở 12 quốc gia trên toàn cầu. Với nguồn tài trợ kinh phí của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) thông qua tổ chức Marie stop international, Dự án triển khai tại Lào Cai và Sơn La. Tại Sơn La, MS Ladies triển khai trên địa bàn Thành phố và các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Phù Yên và Mường La, phục vụ nhóm đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (từ 15 đến 49 tuổi). Ngoài ra, thu hút cả sự tham gia của nam giới.

Trong đợt lựa chọn đầu tiên, Dự án đã thiết lập mạng lưới 90 MS Ladies, là các nữ hộ sinh, y tá, sản nhi, bác sĩ cung ứng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ tại địa phương, triển khai đánh giá tình hình trước khi thực hiện các hoạt động can thiệp; thiết lập giỏ hàng hóa; hỗ trợ và huấn luyện các kiến thức, kĩ năng cung ứng dịch vụ SKSS, KHHGĐ; tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin trong mạng lưới MS Ladies... Qua đó, giúp các MS Ladies có kỹ năng và tự tin cung cấp các dịch vụ SKSS, KHHGĐ, kinh doanh và quản lý tài chính. Bác sỹ Nguyễn Tiến Trường, cán bộ Dự án MS Ladies tại Sơn La, cho biết: Trước khi triển khai Dự án, MSV đã cùng với ngành y tế địa phương tổ chức khảo sát đánh giá đầu vào tại các địa bàn tham gia, đánh giá nhu cầu của người dân và khả năng cung cấp dịch vụ, làm tiền đề xây dựng các hoạt động mang lại hiệu quả cao nhất, phục vụ tốt nhất cho người dân tại các địa phương triển khai Dự án. Trong tháng 3/2019, đã tổ chức 5 hội thảo khởi động Dự án tại Thành phố, Thuận Châu, Mường La, Phù Yên và Mai Sơn. Dựa trên các tiêu chí của Dự án, chúng tôi lựa chọn 90 MS Ladies/120 người theo kế hoạch. Quý IV năm 2019, sẽ tổ chức tuyển chọn thêm 30 MS Ladies. Trước mắt, trong tháng 5, sẽ hỗ trợ các MS Ladies đặt mua sản phẩm để cung cấp tới người dân có nhu cầu.

Để đảm bảo các MS Ladies phục vụ tốt người dân và tự tạo thêm thu nhập cho bản thân, MSV đã làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất và nhà cung ứng địa phương để tăng cường chuỗi cung ứng, đảm bảo nguồn cung bền vững các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao với giá thấp. Tháng 4/2019, Sở Y tế và Văn phòng Marie Stopes International tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức lớp tập huấn ứng dụng công nghệ trong công tác báo cáo và quản lý số liệu y tế cho các MS Ladies Thành phố và Thuận Châu; trang bị cho mỗi MS Ladies máy tính bảng phục vụ công tác báo cáo và quản lý số liệu. Hiện, Văn phòng Dự án của tỉnh đang hoàn thiện kế hoạch và chương trình các lớp tập huấn: Khống chế nhiễm khuẩn, cập nhật kỹ năng chuyên môn, kỹ năng tư vấn chăm sóc SKSS trình Sở Y tế phê duyệt để tổ chức trong các tháng 5, 6 và 7/2019.

Bà Nguyễn Thị Kim An, Giám đốc Sở Y tế, cho biết thêm: Thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, mạng lưới y tế cung cấp dịch vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được củng cố, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có nhiều cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Tuy nhiên, do quy mô dân số lớn, mức sinh và tỷ lệ tăng dân số hàng năm giảm chưa bền vững; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao hơn mức trung bình cả nước, nên tổ chức cung cấp các dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,19%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 15%; tỷ số giới tính khi sinh 116,8 trẻ em trai/100 trẻ em gái; tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 76%; số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ hằng năm chiếm trên 38%... Vì vậy, triển khai Dự án MS Ladies là cơ hội cải thiện và nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua sử dụng và nâng cao chất lượng các dịch vụ và sản phẩm sức khỏe chất lượng cao.

Để đảm bảo mục tiêu, lộ trình, Dự án tiếp tục tổ chức tập huấn và hỗ trợ cung cấp dịch vụ SKSS, KHHHGĐ; tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin trong mạng lưới MS Ladies. Đồng thời, tập trung truyền thông thay đổi hành vi và marketing để nâng cao nhận thức cho người dân địa phương, tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ SKSS, KHHGĐ với mức giá phù hợp. Ngoài ra, tổ chức các diễn đàn chia sẻ kết quả, bài học kinh nghiệm cấp quốc gia, quốc tế; đối thoại chính sách về nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ thông qua cung cấp dịch vụ SKSS, KHHGĐ bền vững tại Việt Nam...

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới