Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa nhiều thông tin về những trường hợp tử vong do mắc bệnh dại, do bị động vật cắn (thường là chó hoặc mèo), không theo dõi các con vật cắn và không tiêm phòng bệnh dại sau khi bị cắn. Gần đây nhất là trường hợp cháu Sồng A Nù Tông, 11 tuổi, ở bản Co Sáy, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, bị chó cắn khoảng 3 tháng trước, không đi tiêm phòng bệnh dại, đã phát dại và tử vong ngày 9/4. Để làm rõ hơn về bệnh dại và cách phòng tránh, phóng viên Báo Sơn La đã trao đổi với bác sỹ Lê Hồng Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đoàn cán bộ Sở Y tế thăm hỏi gia đình cháu Sồng A Nù Tông, bản Co Sáy, xã Chiềng Hặc tử vong do chó dại cắn.
Ảnh: Lê Hạnh (CTV)
PV: Xin bác sỹ cho biết nguyên nhân, thời gian ủ bệnh và dấu hiệu của bệnh dại?
Bác sỹ Lê Hồng Trường: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút dại gây ra, tác động lên hệ thần kinh. Người mắc bệnh dại bị lây truyền vi-rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại (thường là chó, mèo) trên vùng da bị tổn thương. Người đã lên cơn dại thì 100% tử vong.
Thời gian ủ bệnh ở người thông thường từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, cũng có trường hợp kéo dài 1-2 năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, như: Vị trí của vết cắn liên quan đến vùng có nhiều dây thần kinh; khoảng cách từ vết cắn đến não; số lượng vi-rút xâm nhập; vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Ca bệnh dại chẩn đoán lâm sàng có các biểu hiện hội chứng viêm não tủy cấp tính nổi trội bởi các triệu chứng kích động, như: Sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng (thể dại điên cuồng) hoặc các triệu chứng liệt (thể dại liệt), tiến triển tới hôn mê và thường tử vong sau 2 đến 7 ngày.
PV: Thực trạng của bệnh dại trong thời gian qua ra sao, thưa bác sỹ?
Bác sỹ Lê Hồng Trường: Bệnh dại lưu hành nhiều năm nay. Tính từ năm 2011 đến giờ, toàn tỉnh đã ghi nhận 66 trường hợp tử vong do dại tại 11/12 huyện, thành phố (trừ huyện Bắc Yên). Cụ thể, 5 trường hợp năm 2011; 23 trường hợp năm 2012; 13 trường hợp năm 2013; 2 trường hợp năm 2014; 4 trường hợp năm 2015; 6 trường hợp năm 2016; 4 trường hợp năm 2017; 7 trường hợp năm 2018 và tính đến thời điểm hiện tại của năm 2019 ghi nhận 2 trường hợp tử vong tại Mường La và Yên Châu.
Những năm trước, Sơn La là một trong những tỉnh có số mắc và tử vong do dại cao. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về bệnh dại đã có nhiều cải thiện, tỷ lệ người dân đến tiêm vắc-xin phòng bệnh dại ngày càng tăng. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân chủ quan, không đến cơ sở y tế để tư vấn và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại khi bị chó mèo nghi dại cắn, nhất là những người bị chó nuôi, chó con cắn...
PV: Thưa bác sỹ, ngành Y tế đã có biện pháp gì ngăn ngừa bệnh dại?
Bác sỹ Lê Hồng Trường: Trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp chống dịch dại tại địa phương. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 23/1/2018 về kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021; chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thành phố triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho các đối tượng bị phơi nhiễm với vi-rút dại, nhất là từ khi tái xuất hiện dịch dại trên địa bàn tỉnh; triển khai tiêm tất cả các ngày trong tuần kể cả ngày lễ, tết và ngày nghỉ. Đặc biệt, tham mưu cho UBND tỉnh cấp kinh phí triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh dại miễn phí cho một số đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Tính từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã có 46.959 người tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Riêng 3 tháng đầu năm 2019 là 1.887 người. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông tại các xã, phường, thị trấn với nhiều hình thức, đặc biệt trên hệ thống loa truyền thanh các bản. Tăng cường công tác điều tra, giám sát hỗ trợ, kết hợp truyền thông tại địa phương, đặc biệt là các địa phương có trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại...
PV: Bác sỹ khuyến cáo gì để người dân phòng ngừa bệnh dại?
Bác sỹ Lê Hồng Trường: Hiện nay, trên thế giới, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Vì vậy, các gia đình cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Nếu bị chó, mèo cắn cần rửa kỹ vết thương càng sớm càng tốt bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Rửa sạch với cồn 70%, cồn iod. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu lượng vi-rút tại vết cắn. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Sau đó, đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Người bị chó cắn tuyệt đối không chữa bệnh bằng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại...
PV: Xin cảm ơn bác sỹ.
Hồng Luận, Lê Hạnh (thực hiện)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!