Bệnh dịch tả lợn châu phi không lây sang người

Dịch tả lợn châu Phi khiến nhân dân rất băn khoăn, lo lắng, nhất là về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên thực tế, các cấp, các ngành chức năng đã và đang quan tâm chỉ đạo các công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Kim An, Giám đốc Sở Y tế về vấn đề này, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Quầy bán thịt lợn và các sản phẩm từ lợn tại chợ 7/11 (Thành phố).

PV: Đồng chí cho biết nguyên nhân gây dịch tả lợn châu Phi? loại dịch này có lây nhiễm sang người không?

Đ/C Nguyễn Thị Kim An: Virus dịch tả lợn châu Phi là tác nhân gây bệnh sốt lợn ở châu Phi. Virus gây sốt xuất huyết với tỷ lệ tử vong cao ở lợn, nhưng lây nhiễm liên tục vào vật chủ tự nhiên, lợn lông rậm và ve mềm của chi Ornithodoros. Loài ve có khả năng hoạt động như một vật chủ trung gian không có dấu hiệu bệnh. Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút African swine fever virus (ASFV) gây ra. Tuy nhiên, không gây bệnh trên người.

PV: Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngành Y tế tỉnh đã triển khai những biện pháp gì để bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhân dân trên địa bàn?

Đ/C Nguyễn Thị Kim An: Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm của tỉnh, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2019, triển khai đến UBND các cấp và các sở, ban, ngành thành viên. Trong đó, có nội dung về triển khai phòng chống các bệnh, dịch lây truyền qua thực phẩm. Tại thời điểm này, ngành Y tế đang tích cực phối hợp với các ngành thành viên của Ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm của tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019. Trong đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là kiểm tra liên ngành; tăng cường hoạt động truyền thông giáo dục, nhằm kiểm soát có hiệu quả nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh, dịch truyền qua thực phẩm; chú trọng nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức kinh doanh của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng. Cùng với đó, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, tổ chức tốt các hoạt động phối hợp liên ngành, trong đó ngành Y tế làm đầu mối; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng chương trình quản lý chất lượng vào quy trình sản xuất để đảm bảo truy xuất được nguồn gốc sản phẩm trong trường hợp cần thiết; tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát, phát giác các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; hãy “nói không” và “tẩy chay” với các loại thực phẩm bẩn.

PV: Đồng chí khuyến cáo gì đối với người dân trong việc bảo vệ sức khỏe trước dịch bệnh tả châu Phi?

Đ/C Nguyễn Thị Kim An: Do dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với đàn lợn và kinh tế của người dân, cần triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên đàn lợn. Tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người, do đó người dân cần bình tĩnh, không hoang mang tẩy chay tiêu dùng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn an toàn, không bị bệnh dịch, được chế biến hợp vệ sinh.

Các chuyên gia của Bộ Y tế hướng dẫn cách nhận biết thịt nhiễm dịch tả lợn châu Phi như sau: Lợn bị nhiễm dịch có các nốt xuất huyết dưới da, trên vành tai, trông giống như vết muỗi đốt. Bốn chân, bụng, ngực của lợn có màu tím xanh. Khi mổ, lợn có dịch lẫn máu ở bụng và khoang ngực. Toàn bộ nội tạng, cơ thể đều xuất huyết, lá lách phình to, hạch bạch huyết lớn, phổi không bị xẹp, khí quản dính máu, chứa nhiều bọt, thận xuất huyết, niêm mạc dạ dày loét, ruột tắc và chứa máu. Có thể nhận biết thịt lợn nhiễm dịch tả bằng mắt thường, nếu: Thịt có màu lạ, nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, phần bì lấm chấm xuất huyết; tai lợn bị tím; chạm tay thấy chảy nhớt, rỉ nước... đó là thịt ôi hoặc thịt lợn mắc bệnh, nhất thiết không sử dụng loại thịt lợn này.

Người dân cần thực hiện theo các khuyến cáo và hướng dẫn của cơ quan thú y, của ngành Nông nghiệp và PTNT trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm có liên quan, nhằm bảo đảm sản xuất và an toàn vệ sinh thực phẩm.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

 Hồng Luận (thực hiện)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới