Ngày 14/11/2008, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Bảo hiểm y tế.
Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Xôm (Thành phố) cấp, phát thuốc BHYT cho người dân.
Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT; để nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống, ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 1/7 hằng năm là ngày BHYT Việt Nam, khẳng định trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách BHYT. Nhân sự kiện này, được các bác ngõ nhà tôi bình luận sôi nổi.
Hết sức phấn khởi, ông trung niên thông tin:
- Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, nền tảng bền vững góp phần bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ hiệu quả cho các đối tượng chính sách và người nghèo. Theo tôi biết, BHYT tạo ra nguồn tài chính công tương đối lớn, phục vụ tích cực công tác khám chữa bệnh, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe; mức độ tiếp cận dịch vụ y tế của người dân tham gia BHYT cũng đã được cải thiện đáng kể; cơ chế tài chính y tế trong chăm sóc sức khỏe nhân dân thay đổi rõ rệt; đa số đồng bào các dân tộc nắm và hiểu lợi ích được hưởng khi tham gia BHYT.
Dù vậy, bác da ngăm ngăm vẫn băn khoăn:
- Vẫn biết BHYT là một trong những chính sách trong hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta, huy động sự đóng góp của cộng đồng để giảm bớt gánh nặng tài chính cho mỗi người khi ốm đau, bệnh tật, hướng tới mục tiêu mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhưng trên thực tế, số người tham gia BHYT đang chủ yếu tập trung vào đối tượng là người lao động trong các cơ quan Nhà nước; đối tượng được quỹ BHXH đóng và ngân sách Nhà nước hỗ trợ, còn đa số người lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đối tượng được ngân sách hỗ trợ một phần và đối tượng tự nguyện hiện chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.
Chia sẻ hiểu biết, anh chàng nhỏ thó đề cập:
- Để tăng độ bao phủ BHYT, ngoài điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp, nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách Nhà nước và chuyển từ cấp kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ trực tiếp người tham gia BHYT, cần có chính sách hỗ trợ tuyến y tế cơ sở để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân; điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí khám chữa bệnh để người dân thấy rõ lợi ích mình được hưởng khi tham gia BHYT. Chỉ khi đạt được mục tiêu BHYT toàn dân, quỹ BHYT phát triển bền vững thì người dân mới được hưởng lợi nhiều hơn, do phạm vi dịch vụ chi trả BHYT mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh nâng lên, giảm tỷ lệ chi trả khám chữa bệnh của người có BHYT..., góp phần tạo nguồn tài chính ổn định, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững.
Thông tin thêm với các thành viên, ông trung niên ôn tồn:
- Bây giờ, BHYT đã được mở rộng với nhiều dịch vụ như: khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con; chi phí vận chuyển đối với một số nhóm đối tượng; chi trả tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn giao thông, tự tử, tự gây thương tích; điều trị lác, cận thị, tật khúc xạ mắt đối với trẻ em dưới 6 tuổi.v.v. Không chỉ vậy, các cơ sở y tế cũng đang tập trung chú trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng nhiều bệnh viện vệ tinh; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ đối với người bệnh và người nhà của họ; ứng dụng khoa học công nghệ trong khám chữa bệnh và thanh toán, quyết toán chi phí BHYT; mở rộng hệ thống đại lý BHYT... và cũng chỉ có như thế, mục tiêu BHYT toàn dân mới hoàn thành, các chú ạ!
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!