Bắc Yên là một trong những địa phương đầu tiên công bố xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp khống chế dịch bệnh, không để lây lan rộng.
Phun hóa chất phòng dịch tại chốt kiểm dịch bản Cao Đa, xã Phiêng Ban (Bắc Yên).
Được biết, từ giữa tháng 3, tại bản Tra (xã Phiêng Côn) xảy ra tình trạng lợn ốm nhiều. Tuy nhiên, một số hộ dân trong bản lại giấu, không báo cho chính quyền xã, chỉ đến khi lợn chết nhiều mới gọi khuyến nông xã và báo với cơ quan chuyên môn của huyện để lấy mẫu bệnh phẩm mang đi xét nghiệm. Ngày 16/3, huyện Bắc Yên chính thức công bố trên địa bàn có dịch tả lợn châu Phi. Với sự nỗ lực của UBND các xã và các ngành chức năng của huyện, phối hợp thực hiện nhiều giải pháp để khống chế dịch bệnh, ngày 16/5, Bắc Yên công bố hết dịch. Song, chỉ 5 ngày sau, dịch bệnh lại bùng phát tại thị trấn, rồi lan ra các xã: Hang Chú, Làng Chếu, Xím Vàng, Song Pe, Pắc Ngà, Chim Vàn, Tạ Khoa, Mường Khoa.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, huyện Bắc Yên đã chỉ đạo các xã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu chuồng trại chăn nuôi của các hộ gia đình, tiêu hủy số lợn mắc bệnh. Theo đó, các xã đã sử dụng trên 1.870 lít hóa chất Benkocid, Iodine, 1.000 kg vôi bột phục vụ việc tiêu độc khử trùng các vùng có dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, kiên quyết cấm vận chuyển, buôn bán lợn từ địa phương khác về hoặc từ những vùng có dịch sang các địa bàn khác. Trong đợt này đã tiêu hủy trên 7 tấn lợn bị bệnh của 52 hộ gia đình (ước khoảng 300 triệu đồng). Còn trong đợt 2, huyện thành lập 20 tổ công tác về các địa phương có dịch xác định nguyên nhân, tìm biện pháp dập dịch; tạm ứng 1.100 lít hóa chất Bencocid từ Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho các chốt kiểm dịch và phun khử trùng, tiêu độc tại các xã có dịch; tiêu hủy gần 25 tấn lợn hơi của 228 hộ...
Thông tin về công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, ông Hà Văn Lỏn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNN huyện nói: Ngay sau công bố dịch, huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận tham gia khống chế dịch bệnh, không giấu dịch; khẩn trương tiêu hủy lợn mắc bệnh, phun tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; không sử dụng thịt lợn mắc bệnh, không vận chuyển lợn mắc bệnh ra khỏi địa bàn... Đối với các xã, thị trấn, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh về huyện trước 16 giờ hàng ngày, để có biện pháp xử lý kịp thời; ban hành thông báo giá lợn thực tế trên địa bàn để làm cơ sở hỗ trợ người dân...
Phiêng Ban là xã cửa ngõ từ Bắc Yên sang Phù Yên và từ các xã về trung tâm huyện, mật độ giao thông qua lại khá đông nhưng ở đây chưa xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ông Mùi Văn Thụ, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: Dù chưa xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhưng chúng tôi không chủ quan. Ngoài chốt kiểm dịch của huyện đặt ở cầu suối Sập, xã thành lập 2 chốt khác tại bản Cao Đa và bản Phiêng Ban A. Đội ngũ nhân viên đảm nhiệm tại các chốt đều được tập huấn nhận biết dấu hiệu lợn mắc bệnh; biện pháp xử lý tại chỗ đối với những trường hợp vi phạm; tất cả các trường hợp vận chuyển lợn ra vào địa bàn xã đều được kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết...
Đến thời điểm này, dù chưa công bố hết dịch, song cơ bản, Bắc Yên đã khống chế và không để bệnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng; huyện đã chỉ đạo các xã hướng dẫn người dân khi có đủ điều kiện mới tái cơ cấu đàn lợn. Trước mắt, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chuồng trại chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, buôn bán lợn ra vào địa bàn; xây dựng kế hoạch chăn nuôi phù hợp điều kiện từng gia đình, ưu tiên hỗ trợ các hộ có điều kiện chăn nuôi lớn...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!