Hằng năm, vào mùa mưa lũ, trên địa bàn huyện Bắc Yên thường xảy ra tình trạng sạt lở đất tại những đoạn đường xung yếu trên tuyến quốc lộ 37, sạt lở bờ sông, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, trước mùa mưa lũ, huyện chủ động xây dựng phương án phòng, chống lũ bão, giảm nhẹ thiên tai sát với thực tế địa bàn.
Diễn tập phòng chống bão lũ, tìm kiếm cứu nạn huyện Bắc Yên năm 2019 tại xã Song Pe.
Là huyện vùng cao có địa hình bị chia cắt nhiều và có độ dốc lớn, kết cấu địa chất không vững chắc, nên khi có mưa kéo dài thường gây ra sạt lở đất ở nhiều điểm trên tuyến quốc lộ 37; sạt lở đất kèm theo đá lăn ở các tuyến đường lên các xã vùng cao, gây nhiều khó khăn và nguy hiểm cho người và các phương tiện lưu thông, thậm chí xảy ra tình trạng tắc đường, cô lập một số xã trong nhiều ngày.
Đối với các xã ven sông, khi có mưa kéo dài, nguy cơ sạt lở rất cao. Điển hình như trong đợt mưa lớn kéo dài năm 2018, tuy không có thiệt hại về người, nhưng mưa lũ làm hơn 300 hộ dân ở các xã Tạ Khoa, Song Pe, Mường Khoa phải di dời khẩn cấp, có 34 ngôi nhà bị đổ sập do mưa lũ và sạt lở gây ra. Ngoài ra, còn có hàng trăm ha hoa màu, cây ăn quả và nhiều diện tích lúa mùa của người dân bị thiệt hại do sạt lở hoặc bị nước lũ cuốn trôi, đất đá vùi lấp, ước tổng thiệt hại trên 70 tỷ đồng. Khắc phục tình trạng này, huyện Bắc Yên đã triển khai sâu, rộng kế hoạch trồng các loại cây ăn quả và cây lâm nghiệp ở hai bên bờ sông, nhằm đạt hai mục đích: Tạo thêm thu nhập cho người dân, tăng độ phủ xanh đất và giữ đất chống sạt lở hai bên bờ sông, bảo vệ nguồn nước.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Bắc Yên đã chỉ đạo các xã xây dựng phương án PCTT&TKCN cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn. Chỉ đạo các xã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về cách phòng, chống lũ; sẵn sàng di chuyển và di dời tài sản đến nơi an toàn. Vận động bà con chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm, nước sạch và các đồ dùng cần thiết để sử dụng trong những ngày xảy ra mưa lũ, sạt lở đất. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện phân công cán bộ trực 24/24 giờ để nắm bắt tình hình, báo cáo Ban Chỉ huy để xử lý kịp thời; tổ chức nhiều đợt khảo sát các vùng tiềm ẩn bị thiên tai để có kế hoạch chủ động ứng phó. Cùng với đó, kiểm tra việc xây dựng các phương án phòng, chống thiên tai của từng xã, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình của từng địa phương khi có thiên tai xảy ra, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại cho người dân khi có lũ bão...
Trao đổi với ông Hà Văn Lỏn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên về việc chủ động phòng chống thiên tai trước mùa mưa lũ, được biết: Để chủ động trong công tác phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiên tai, ngoài giao nhiệm vụ cho các xã, các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang trên địa bàn xây dựng phương án phòng, chống lũ bão theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), hằng năm, huyện Bắc Yên đều tổ chức diễn tập ứng phó lũ bão và tìm kiếm cứu nạn để các lực lượng chủ động khi có thiên tai xảy ra. Đơn cử như đầu tháng 6 vừa qua, huyện đã tổ chức cuộc diễn tập ứng phó lũ bão và tìm kiếm cứu nạn tại xã Song Pe. Cuộc diễn tập đã huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân ở các xã Mường Khoa, Tạ Khoa tham gia để có kinh nghiệm xử lý khi có lũ bão, nhất là việc hỗ trợ sơ tán người dân đến nơi an toàn. Cuộc diễn tập còn giúp các địa phương và nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác trong việc phòng, chống thiên tai.
Chủ động xây dựng phương án PCTT&TKCN phù hợp với từng địa bàn; chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, lực lượng tham gia PCTT&TKCN, huyện Bắc Yên phấn đấu giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân trong mùa mưa lũ năm nay.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!