Từ đầu mùa mưa lũ đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra các đợt mưa to trên diện rộng dẫn đến mực nước tại nhiều hồ, đập chứa dâng cao, để bảo vệ an toàn các công trình, các ngành chức năng và các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi đã tập trung triển khai phương án ứng phó, chủ động trước diễn biến bất thường của thời tiết.
Kiểm tra công trình hồ Chiềng Khoi, huyện Yên Châu.
Ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Toàn tỉnh đang quản lý, vận hành 110 hồ chứa, 132 đập dâng các loại. Ngay từ đầu năm, Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với Công ty TNHH một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La và các địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng tất cả các công trình đập, hồ chứa trên địa bàn. Đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa; khẩn trương triển khai phương án sửa chữa các hạng mục công trình của hồ chứa bị hư hỏng xong trước mùa mưa lũ; tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ trên sông, suối, hồ đập, nhằm chủ động phòng, chống, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Qua kiểm tra, đánh giá, đa số các đập, hồ chứa đều đảm bảo an toàn, đủ điều kiện tích nước trong mùa mưa. Hiện còn 19 hồ chứa xung yếu bị thấm hoặc biến dạng mái đập, như: Hồ Suối Hòm, huyện Phù Yên; hồ Huổi Vanh, huyện Yên Châu; hồ Tho Loóng, huyện Quỳnh Nhai; hồ Nà Xi, hồ Đen Phường, huyện Mai Sơn… Hằng năm, Công ty TNHH một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La được hỗ trợ nguồn vốn khai thác khoảng 25 tỷ đồng để gia cố, khắc phục, sửa chữa nhỏ. Tuy nhiên, nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng một phần việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình nhỏ. Còn đối với các hồ chứa lớn đã xuống cấp nghiêm trọng, cần nguồn kinh phí lớn để sửa chữa thì chưa thể thực hiện được.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La, cho biết: Qua kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình thủy, Công ty sẽ ưu tiên kinh phí sửa chữa khắc phục, đảm bảo an toàn các công trình xung yếu, các công trình có nguy cơ mất an toàn. Đồng thời, xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa, chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra. Từ năm 2017 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp được 20 đập, hồ chứa nước cấp bách, xung yếu tại các huyện Thuận Châu, Mai Sơn và thành phố Sơn La.
Tháng 5 vừa qua, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện tại tỉnh Sơn La. Qua công tác kiểm tra cho thấy, các chủ hồ chứa đều thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy điện. Tại thời điểm kiểm tra, các hồ chứa thủy điện đều đang ở trạng thái bình thường. Các địa phương có đập, hồ chứa thủy điện cũng đã yêu cầu các chủ hồ, công trình thủy điện tổ chức rà soát quy trình vận hành, phương án bảo vệ đập, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hồ chứa, phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập; cắm mốc chỉ giới bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi.
Ông Khương Thế Anh, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, thông tin: Các công trình thủy điện do Công ty thủy điện Sơn La quản lý, vận hành đều là các công trình có đập cao đều trên 100m. Việc kiểm soát đánh giá an toàn công trình được thực hiện tự động từ các thiết bị được lắp đặt trong công trình, hồ chứa, với khoảng 2.500 cảm biến kết nối với Trung tâm thu thập số liệu. Định kỳ Công ty tổ chức giám sát công trình đầu mối, công trình xả lũ trước, trong và sau mùa mưa lũ, như kiểm tra hiện trạng thấm, rò rỉ, chuyển vị, các dấu hiệu khiếm khuyết công trình để có phương án xử lý kịp thời.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, các đơn vị, địa phương đang tăng cường giám sát, theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ để thực hiện theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa, đảm bảo an toàn công trình. Cùng với đó, các ngành chức năng và địa phương tiếp tục phối hợp với đơn vị quản lý, khai thác các công trình đập, hồ chứa thường xuyên theo dõi, kiểm tra hiện trạng các hồ, đập; cập nhật, bổ sung phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của từng đập, hồ chứa, sẵn sàng xử lý, ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!