Là 1 trong 4 bản đồng bào dân tộc Mông vùng cao còn nhiều khó khăn của xã Hồng Ngài (Bắc Yên), những năm qua, người dân bản Suối Háo đã đoàn kết vượt lên những khó khăn, thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Suối Háo đã và đang trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế ở Hồng Ngài.
Ông Thào A Su, Trưởng bản Suối Háo, xã Hồng Ngài (Bắc Yên) (người bên phải)
chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả với người dân.
Ảnh: PV
Bản Suối Háo cách trung tâm xã Hồng Ngài 5 km, bản có 166 hộ. Trước đây, tuyến đường về bản lổn ngổn đá hộc, rất khó đi, nhưng từ giữa năm 2019, hơn 3 km thuộc tuyến đường này đã được huyện đầu tư xây dựng. Giao thông thuận lợi là một trong những điều kiện quan trọng để người dân Suối Háo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Trong chuyến công tác về bản Suối Háo hồi đầu tháng 5, ngay đầu bản có vườn cam, bưởi da xanh, xoài ghép đang phát triển xanh tốt. Người dân trong bản cho biết, đó là vườn cây của gia đình Trưởng bản Thào A Su và thầy giáo Nguyễn Văn Tuệ, đang công tác ở Trường Tiểu học & THCS Hồng Ngài cùng nhau trồng mấy năm qua.
Tìm gặp Trưởng bản Thào A Su, ông kể: Khi bắt đầu trồng vườn cây này, tôi chưa có nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm. Vì vậy, tôi đã tìm sách, báo đọc, xem ti vi và đi học hỏi kinh nghiệm ở một số HTX tại các xã Song Pe, Phiêng Ban để về áp dụng vào thực tế chăm sóc vườn cây của mình. Cứ vậy, quy mô vườn cây được mở rộng từ 1 ha lên 5 ha, dự kiến năm nay sẽ cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Ban đầu, nhiều người dân trong bản không tin là cây sẽ phát triển. Song, thực tế cho thấy các loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở đây và phát triển tốt. Vườn cây ăn quả này đã trở thành mô hình điểm của xã Hồng Ngài và được bà con nhiều bản trong xã đến tham quan, học tập kinh nghiệm, nhiều hộ đã đến tham khảo kỹ thuật và mua cây giống về trồng thay thế cây ngô, sắn trên nương. Hiện nay, ở bản Suối Háo, bà con đã trồng mới được 3 ha cây ăn quả.
Bên cạnh đó, đường trục bản Suối Háo là đường trục bản đầu tiên của xã được bê tông hóa, bà con trong bản nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc làm đường bê tông, nên đã thống nhất sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hằng năm cho các chủ rừng làm nguồn kinh phí chính để đổ bê tông tuyến đường. Cùng với trên 300 tấn xi măng của nhà nước hỗ trợ, Ban Quản lý bản đã vận động các hộ trong bản đóng góp thêm với mức bình quân 3 triệu đồng/hộ. Sau hơn hai năm triển khai, cuối năm 2018, người dân bản Suối Háo vui mừng vì tuyến đường bê tông đã hoàn thành.
Trong phát triển kinh tế, người dân bản Suối Háo còn đầu tư phát triển chăn nuôi, hiện bản có 380 con gia súc và trên 1.000 con gia cầm. Tuy nhiên, cũng giống như những bản Mông ở vùng cao Bắc Yên, đất sản xuất ở Suối Háo chủ yếu là đồi núi có độ dốc lớn và đa phần đã bạc màu. Vì vậy, để tạo việc làm cho người dân, Ban Quản lý bản đã kiến nghị các cấp xem xét dạy nghề hoặc tạo điều kiện cho những người có nhu cầu đi làm ăn xa. Hiện nay, bản Suối Háo có trên 200 người đi làm việc tại các khu công nghiệp ở các tỉnh miền xuôi, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân trong bản. Ông Thào A Chua B có con trai đi làm ở khu công nghiệp thu nhập khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các khoản sinh hoạt phí tại nơi làm việc, hằng tháng, con trai ông gửi về từ 3-4 triệu đồng.
Để cùng với xã Hồng Ngài phấn đấu hoàn thành mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Ban Quản lý bản Suối Háo đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là mở rộng diện tích trồng cây ăn quả trên đất dốc thay các cây trồng năng suất thấp; thành lập tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, huy động các nguồn lực hỗ trợ xóa 25 nhà tạm, nhà dột nát còn lại trong bản và giúp đỡ các hộ nghèo sớm thoát nghèo.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!