Báo cáo Theo dõi Thị trường du lịch Việt Nam quý II/2023 của Công ty The Outbox cho biết 83% người dân được khảo sát đã lựa chọn loại hình du lịch tự túc, thay vì sử dụng các dịch vụ lữ hành. Kéo theo đó, số lượng du khách dùng phương tiện cá nhân để di chuyển tới các danh lam, thắng cảnh cũng có xu hướng gia tăng, nhất là các địa điểm nằm trên cung đường đẹp, khung cảnh độc đáo, hoang sơ.
Đây là một trong những nguyên nhân gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giao thông ở nhiều địa phương trong mùa du lịch và các kỳ nghỉ lễ, khi các tuyến đường huyết mạch chưa đáp ứng được mật độ xe cộ tăng cao bất thường hoặc chưa bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông đối với một số phương tiện chuyên dụng như mô-tô phân khối lớn, xe đạp địa hình.
Cảnh dòng xe đông nghẹt trên đèo Prenn ở Đà Lạt (Lâm Đồng), cảnh ùn tắc ở phà Gót tới đảo Cát Bà (Hải Phòng), phà Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) trong tháng cao điểm du lịch không còn là hình ảnh xa lạ. Trong những tình huống ấy, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông không chỉ là biện pháp bảo vệ an toàn cho bản thân mà còn là biểu hiện cần có của mỗi du khách có trách nhiệm.
Đáng buồn một bộ phận du khách lại không hề nghĩ như vậy khi bất chấp sự an toàn tính mạng của bản thân và những người tham gia giao thông khác để thực hiện thỏa mãn cái tôi cá nhân của mình. Câu chuyện du khách vô tư dừng xe giữa góc cua tay áo trên đèo, trên đường cứu nạn, cản trở phương tiện qua lại… chỉ để chụp ảnh đăng mạng xã hội đang có chiều hướng gia tăng, thậm chí dần trở thành một trào lưu phản cảm, gây bức xúc dư luận.
Hiện tượng núp bóng “du lịch phượt” để tổ chức các hoạt động vi phạm luật giao thông như lưu thông trái phép, đua xe tập thể, gây rối trật tự, cá biệt có trường hợp tấn công lực lượng chức năng đang có diễn biến phức tạp.
Từ năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch (Quy định số 718/QĐ-BVHTTDL) và kế hoạch triển khai thực hiện (Kế hoạch số 789/KH-BVHTTDL), trong đó đặt ra yêu cầu phối hợp với một số ngành liên quan để tuyên truyền ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch như văn hóa giao thông trong hoạt động du lịch.
Bộ quy tắc cũng đưa ra một số quy định về văn hóa giao thông khi tham quan, du lịch như: không tranh giành khách, chen lấn, giành đường khi tham gia giao thông.
Dù vậy, đối tượng của các quy tắc ứng xử này mới chỉ dừng lại ở các đơn vị vận chuyển khách du lịch mà chưa tính đến lượng khách du lịch bằng phương tiện cá nhân, cơ sở cho thuê xe tự lái.
Do đó, việc tuyên truyền văn hóa giao thông trong hoạt động du lịch vẫn chưa đầy đủ, toàn diện. Ngoài ra, các hình thức lồng ghép tuyên truyền văn hóa giao thông trong hoạt động du lịch trên một số loại hình, sản phẩm truyền thông chưa đa dạng, thu hút sự chú ý của khán, thính giả. Nhiều chương trình điểm đến du lịch mới chỉ tập trung vào quảng bá hình ảnh, con người, sản vật, địa danh nhưng chưa có những lưu ý cụ thể về các tuyến đường, thời gian phù hợp để tham quan.
Bên cạnh đó, còn thiếu các biện pháp nhắc nhở, xử lý vi phạm hành chính đối với ứng xử vi phạm văn hóa giao thông khi du lịch. Chính vì vậy, ý thức chấp hành văn hóa giao thông trong hoạt động du lịch của một bộ phận du khách còn chưa cao. Thực trạng này cho thấy, xây dựng văn hóa giao thông trong hoạt động du lịch tiếp tục là vấn đề cần được các cơ quan chức năng lưu tâm, nhất là trong bối cảnh trào lưu du lịch tự túc bằng phương tiện cá nhân đang ngày một phổ biến.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!